Đợi đến mùa Xuân!
Trong mắt người già 09/11/2020 11:00
Lúc ấy, nhiều nhà giáo đang giảng dạy đánh giá, góp ý, với hi vọng chuyển tới các nhà biên soạn chương trình sao cho sách giáo khoa (SGK) gần với thực tế hơn.
Tưởng chương trình mới sẽ giảm tải, ai dè, một tuần học sinh không chỉ học 12 tiết tiếng Việt như quy định mà học tới 23 tiết. Trước khi vào năm học các con phải làm quen trước với chữ cái, số đếm, các phép tính và vần ghép đơn giản là trái với những điều mà chính Bộ GD&ĐT quy định trước đó. Vô hình trung, trẻ phải qua chương trình “tiền lớp 1”, học từ 4-5 tuổi, lại phải học cả tuần, làm cho “búp trên cành” chỉ có học và học mà không được vui chơi như đặc tính vốn có.
“Ngó” sang “hàng xóm” thấy mới đây, UNESCO không tiếc lời khen Campuchia đã có cải cách giáo dục rất thành công. Cần nói thêm, họ tiến hành cải cách giáo dục thành công nhờ vị “thuyền trưởng”- Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Thanh niên và Thể thao - tiến sĩ Hang Chuon Naron. Ông ta được người dân ca ngợi: “Có tài lãnh đạo, khả năng nâng cao chất lượng giáo dục, chính sách giáo dục cho mọi người và sự chuẩn bị tốt trong công cuộc đổi mới giáo dục. Làm cải cách đúng trọng tâm, minh bạch, không gian lận trong giáo dục và thi cử, chứ không phải bắt đầu bằng các kế hoạch cải cách nhiều triệu USD”.
Đông đảo người dân ở ta cho rằng, lúc này rất cần những quyết sách mang tính đột phá và cương quyết của Bộ GD&ĐT và chính cá nhân Bộ trưởng. Đất nước rất cần những chuyên gia tài giỏi, làm việc hết trách nhiệm trong lĩnh vực GD&ĐT; cạnh đó, cần lắm một tổng công trình sư chỉ huy việc biên soạn SGK cho toàn cấp học, để nó thực sự là ánh sáng dẫn dắt học sinh, cho phép người học tham gia tích cực hơn, chứ không phải bắt chước một cách thụ động, máy móc. Đồng thời, cũng cần xác lập một triết lí giáo dục đúng, phù hợp với xu thế thời đại. Nếu làm được điều đó, cải cách giáo dục sẽ thúc đẩy một xã hội học tập, nền tảng để xây dựng đất nước sáng tạo.
Nghĩ đến đây, người viết bài này nhớ đến vở kịch “Đợi đến mùa Xuân” của nhà viết kịch Xuân Trình. Câu chuyện kể về cô giáo Nhung tận tụy, yêu học sinh, muốn giáo dục, đào tạo bắt nguồn từ sự tôn trọng trẻ và dám sống với cả những sai lầm, cá tính của trẻ. Cô luôn dũng cảm đấu tranh bảo vệ sự thật, cho dù, sự thật đó có thể làm tổn hại đến những quyền lợi của mình. Cũng vì dám thay đổi quan niệm cũ giáo điều, thiếu hợp lí và có phần xa rời hiện thực cuộc sống trong nội dung SGK, cô bị khiển trách và rồi vì dám phê phán cả một xu hướng bệnh thành tích trong giáo dục, cô bị hại, bị gài bẫy, buộc rơi vào cái vòng xoáy nhận hối lộ mà mình vô can. Nhưng với đạo đức nghề giáo nên cô có một niềm tin tuyệt đối, rằng: “Mùa Xuân giáo dục” rồi sẽ đến, sẽ làm nảy mầm những tài năng đất nước.