Đi bằng đôi chân... của mình!
Trong mắt người già 31/10/2020 09:01
Phim “Tiệc trăng máu” của ta khá gần với bản Hàn Quốc được làm lại trước đó. Tuy hội tụ được dàn sao “khủng” như Thái Hoà, Đức Thịnh, Kiều Minh Tuấn, Thu Trang, Hứa Vĩ Văn, Hồng Ánh, Kaity Nguyễn… nhưng người yêu điện ảnh vẫn thấy... thiếu đi một cái gì.
Không chỉ có “Tiệc trăng máu” mà trước đó, cả phim điện ảnh và nhiều phim truyền hình dài tập như “Ngày ấy mình đã yêu”, “Gạo nếp gạo tẻ”, “Người phán xử”, “Tình yêu và tham vọng”… đều có yếu tố mua bán, vay mượn kịch bản nước ngoài. Vì thế, người Việt thấy ngậm ngùi, bởi, rằng “hay thì thật là hay” nhưng chạnh lòng khi biết món ăn đó không phải hoàn toàn do người Việt “gieo trồng, cấy hái”.
Một cảnh trong phim "Tiệc trăng máu" |
Trong ý thức người Việt, hầu hết ai cũng muốn được đi bằng đôi chân của mình. Nhưng hiện nay, trong trào lưu hội nhập văn hóa với thế giới, sự “vay mượn” ngày càng được một bộ phận người làm nghệ thuật theo đuổi. Mà không chỉ trong lĩnh vực điện ảnh, truyền hình, từ âm nhạc, sách báo, kiến trúc… cũng có sự “giao thoa”, khiến người đọc, người xem, người thưởng thức thấy nó không còn giống của người Việt. Buồn hơn, mới đây có vị quan chức Hà Nội nói, sẽ tái khởi động lại dự án thành phố hai bên sông Hồng, “làm giống thành phố Xơ-un của Hàn Quốc”!?
Rất mừng là không phải người Việt nào cũng muốn “vay mượn”, “cop pi”. Mới rồi, cháu Ngô Minh Hiếu (Trường THPT Triệu Sơn 5, Thanh Hóa), người có 10 năm cõng bạn tới trường, đạt điểm rất cao nhưng vẫn thiếu 0,25 điểm mới đủ điểm vào Trường Đại học Y Hà Nội như nguyện vọng cá nhân. Hiếu nói: “Em rất bất ngờ trước thông tin mọi người muốn Đại học Y Hà Nội đặc cách cho em..., nếu được em cũng xin từ chối".
Câu chuyện cảm động của Ngô Minh Hiếu với câu nói khảng khái đã chạm vào trái tim hàng triệu người Việt. Hiếu cũng như nhiều người Việt Nam khác muốn đi trên đôi chân của mình bằng ý chí, quyết tâm, cùng với nghị lực để kiêu hãnh mà ngẩng cao đầu!
Hoạt động văn hóa, giải trí là để hướng tới tư tưởng, hành động tốt đẹp; mỗi tác phẩm đều đưa ra một thông điệp mới mẻ, nhằm dẫn dắt mọi người, nhất là lớp trẻ suy nghĩ, thay đổi cách ứng xử, cùng hướng tới “chân, thiện, mĩ”. Việt hóa một bộ phim ăn khách của nước ngoài được ví như nghiện thứ “mì ăn liền”. Thứ đó, chỉ tạo cảm giác no bụng, chứ ít chất béo bổ, thậm chí ăn nhiều sẽ có hại cho sức khỏe. Mong rằng, những người làm nghệ thuật hãy nghĩ sâu xa hơn đến cội nguồn văn hóa ông cha, đến tư tưởng “đậm đà bản sắc dân tộc”. Nếu vượt qua thách thức này, chắc chắn phim ảnh Việt sẽ vươn lên phía trước.
Để đi bằng đôi chân của mình, mỗi người cần có lòng tự trọng, tình yêu Tổ quốc thiết tha, cùng với bộ óc sáng tạo không ngừng. Người Việt vốn rất coi trọng “đôi chân”, thứ gì được đặt lên trên đôi chân ấy mới thật sự là chính mình, mới là của mình.