Đất bị thu hồi, 2 con bị điên, nỗi đau chồng chất nỗi đau
Pháp luật - Bạn đọc 06/11/2021 08:17
Cưỡng chế gây hậu quả thương tâm
Năm 1999, quy hoạch Khu công nghiệp Phan Thiết, bà Nguyễn Thị Yến, giáo viên và chồng là ông Tô Ngọc Tam, cán bộ Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, bị thu hồi 1.390m2 đất ở, có 4 căn nhà, nhưng không giao quyết định và chỉ bồi thường 147 triệu đồng, không đủ mua một lô tái định cư 150 triệu đồng ở vị trí kém hơn, nên bà Yến còn khiếu nại, chưa đồng ý giao đất. Ngày 24/8/2002, vợ chồng bà đi vắng, hai cô con gái lớn, một vừa trúng tuyển đại học, một sắp vào lớp 12 và 3 em nhỏ trông nhà. Bất ngờ, hàng trăm công an cùng 4 chó bẹc giê và nhiều xe cơ giới hạng nặng kéo đến giật sập 4 căn nhà của bà Yến để thu hồi đất. Các cháu khiếp sợ chạy trốn, rồi được tìm về, sau đó hai cô gái lớn hóa điên, ông bà không có tiền chạy chữa cho con nên cho đến nay bệnh tật ngày càng nghiêm trọng.
Số tiền bồi thường từ 147 triệu đồng năm 2000, cứ mỗi khi tỉnh giải quyết khiếu nại lại tăng lên, đến năm 2016 là 830 triệu đồng. Lí do tăng là bởi 890m2 đất ở, trước đây không được bồi thường, sau phải bồi thường theo giá đất nông nghiệp: 25.000 đồng/m2 và tài sản bị từ chối, cũng phải bồi thường. Tuy thế, 830 triệu đồng không là gì so với 1.390m2 đất mặt tiền Quốc lộ 28; 4 căn nhà và nhiều tài sản trên đất. Vậy mà, trước đó khối tài sản này chỉ bồi thường 147 triệu đồng, không đủ mua một lô tái định cư. Điều 9 Nghị định số 197/2004/NĐ-CP quy định: “Bồi thường chậm, nếu lỗi do cơ quan có trách nhiệm, mà giá đất khi bồi thường… cao hơn giá khi có quyết định thu hồi, thì bồi thường theo giá khi trả tiền bồi thường…”. Chính quyền tỉnh sai rất rõ, chỉ riêng tiền bồi thường tăng 5, 6 lần đủ chứng minh chính quyền tỉnh sai. Vậy mà đổ thừa bà Yến sai, để buộc bà phải chịu giá bồi thường rất vô lí của 20 năm trước. Đó là chưa kể Thanh tra Chính phủ nhiều lần yêu cầu tỉnh, tổ chức kiểm điểm cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính; cán bộ TP Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc, cụ thể tại Văn bản số 1944 ngày 3/11/2005 của Thanh tra Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ cũng báo cáo sai sự thật
Thửa đất 890m2 vốn là hố bom bên Quốc lộ 28, bị lũ xói sâu thành ao nước lớn, liền kề thửa đất 500m2 của bà Yến do xã cấp. Được UBND xã đồng ý, bà Yến thuê hàng chục lao động, làm nhiều tháng mới lấp xong hố bom, rồi làm 3 căn nhà trên đó và 1 căn trên thửa đất 500m2 (gia đình bà lúc ấy có trên 10 khẩu). Vậy mà tỉnh thu hồi không bồi thường. Sáu năm sau mới bồi thường giá đất nông nghiệp, không chỉ trái luật mà còn trái đạo lí. Theo Khoản 6, Điều 6 Nghị định số 22/1998/NĐ-CP của Chính phủ: “Người sử dụng đất chứng minh đất sử dụng trước ngày 15/10/1993, thì được bồi thường nếu Nhà nước thu hồi đất”. Như vậy, 890m2 này đáp ứng yêu cầu của pháp luật, nhưng vẫn bị từ chối.
Khu công nghiệp Phan Thiết này, chính là 1.390m2 đất, có 4 căn nhà của bà Yến trước đây |
Ngày 17/6/2014, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Chiến Bình kí Báo cáo số 1402/BC gửi Thủ tướng, báo cáo về việc giải quyết khiếu nại của bà Yến, nhưng… nói sai sự thật như sau: “Bà Yến được cấp 500m2 đất để làm nhà ở, phần 890m2 bà tự khai phá, không kê khai, không thực hiện nghĩa vụ tài chính… địa phương đã bồi thường giá đất trồng cây ăn quả…”. Nói thế là hoàn toàn sai. Sự thật trong 1.390m2 đất ở của bà Yến bị thu hồi, ban đầu tỉnh chỉ bồi thường 400m2 giá 110.000 đồng/m2 và được mua lại 100m2 tái định cư giá 1.500.000 đồng/m2. Năm 2006, tỉnh mới chịu bồi thường 500m2 này với giá 400.000 đồng/m2. Đến năm 2014, bà mới được mua 500m2 đất ở, giá 5.700.000 đồng/m2, gấp 14,25 lần giá bồi thường, chứ không phải được cấp như Thanh tra Chính phủ nói. Riêng 890m2 đất có 3 ngôi nhà trên đó, ổn định từ năm 1986 mà bồi thường giá đất nông nghiệp, thì luật nào quy định như vậy? Bảo bà Yến không kê khai, không làm nghĩa vụ tài chính, để nói là đất không hợp pháp. Không hợp pháp, sao lại bồi thường? Mà đất ở lại bồi thường giá đất nông nghiệp, thì giải thích như thế nào?
Ngày 9/11/2016, ông Đặng Công Huẩn, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ kí Báo cáo số 2958/BC, có cùng nội dung và cũng sai sự thật như Báo cáo số 1402/BC. Chúng tôi muốn đối thoại với UBND tỉnh Bình Thuận và Thanh tra Chính phủ, vì những bất công ngang trái như đã nói, nhằm giải quyết vụ khiếu nại kéo dài này.
Trong vụ này, Thanh tra Chính phủ 5 lần báo cáo Thủ tướng, nhưng trước kia sai ít, nên chúng tôi không tiện viết ra. Chỉ hai lần sau này, không hiểu có phải do địa phương… nhờ để bưng bít, vì sợ Thủ tướng biết sự thật hay không?
Sự thật không dám tin
Năm 2006, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Hàm Thuận Bắc kỉ luật bà Yến, hạ hai bậc lương, buộc phải nghỉ hưu sớm và cảnh cáo ông Tam toàn ngành xây dựng, để hàng chục năm không được tăng lương, trong khi luật pháp quy định công dân có quyền khiếu nại, tố cáo. Tài sản của dân thu hồi đáng 100, mà bồi thường chưa được 1/10, dân khiếu nại có căn cứ, đã không sửa sai còn hành dân đến đủ đường.
Bà Yến đã sức tàn, lực kiệt, không đương đầu nổi với bất công, trước khi phải chấp nhận “bản án” vô lí có một không hai, do lãnh đạo tỉnh Bình Thuận phán xét, bà yêu cầu được đổi 500m2 đất bị thu hồi lấy 500m2 do tỉnh bán. Điều này được Luật Đất đai năm 2003 quy định tại Khoản 2, Điều 42: “Người bị thu hồi loại đất nào thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng, nếu không có đất… thì mới phải bồi thường bằng giá trị quyền sử dụng đất…”. Yêu cầu của bà Yến được Thanh tra Chính phủ đồng ý tại Báo cáo số 2958/BC-TTCP ngày 9/11/2016, nhưng UBND tỉnh Bình Thuận bảo là “không có căn cứ pháp lí”, để buộc bà phải mua giá rất cao: 5,7 triệu đồng/m2, trong khi đất của bà có vị trí tốt hơn, thì bồi thường 400.000 đồng/m2. Toàn bộ tài sản của bà Yến gồm 1.390m2 đất, 4 căn nhà và rất nhiều tài sản trong đó, mà chỉ bồi thường 830 triệu đồng, thì bà lấy đâu ra 2 tỉ 850 triệu đồng để mua 500m2 đất? Sao 890m2 đất ở của bà, chính quyền bồi thường giá đất nông nghiệp, thì không nói đến “căn cứ pháp lí”? Nhưng tỉnh có đất mà không giao lại, buộc bà Yến phải mua, là không nhân đạo. Đất thu hồi thì bồi thường 400.000 đồng/m2 mà đất bán lại thì 5.700.000 đồng/m2. Có bất công nào hơn thế?
Theo Thanh tra Chính phủ, đến cuối năm 2016, số tiền bà Yến được nhận từ bồi thường nhà, đất và tài sản trên đất, tài sản trong nhà từ tủ, giường, ban thờ, bàn ghế đến quần áo, bát đũa, nồi niêu… bị chính quyền thu giữ, tiền hỗ trợ của doanh nghiệp v.v… và tiền lãi ngân hàng 20 năm, tổng cộng là 1 tỉ 281 triệu đồng. Nhưng khi đến nhận tiền thì chỉ có 992 triệu đồng, nên bà Yến không nhận. Khiếu nại thì Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định chấm dứt khiếu nại, Báo Người cao tuổi (nay là Tạp chí) tiếp tục lên tiếng. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hùng 3 lần tiếp bà Yến, nhưng cũng bó tay. Đầu năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong tiếp tục có quyết định chấm dứt kiếu nại của bà Yến, yêu cầu bà phải có đơn cam kết chấm dứt khiếu nại thì mới cho nhận tiền. Đây là điều trái luật và không nhân đạo. Trong khi sai phạm của chính quyền rất nghiêm trọng, thì ông làm ngơ. Bà Yến lại cầu cứu Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An, nhưng… ông An chưa sắp xếp thời gian cho bà Yến gặp. Vợ chồng bà Yến lương thấp, lại phải nuôi hai người con bị điên. Nhưng lương thấp, mất tài sản không bằng hai người con bị điên! Đây là nỗi đau, là gánh nặng. Không hiểu sao những người có trách nhiệm có xúc động với nỗi đau của họ?.
Nếu cái chuồng bò mà biết nói năng, thì… Năm 2013, ông Thái đã nộp thuế đất cho cái chuồng bò 86m2, năm 2015, nhưng chính quyền khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử ... |