Đằng sau quyết định của Mỹ khi rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga
Quốc tế 22/10/2018 14:43
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố ngày 20/10 rằng ông có ý định rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và khẳng định rằng sự vi phạm hiệp ước của Nga và việc Trung Quốc sở hữu kho tên lửa là những lý do đằng sau quyết định này của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: CNN |
"Nga đã vi phạm hiệp ước. Họ đã vi phạm nó trong nhiều năm. Chúng tôi vẫn ở trong hiệp ước và tuân thủ hiệp ước. Nhưng Nga không tôn trọng hiệp ước này", Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định với báo giới trước khi lên chuyên cơ Không lực Một (Air Force One) để rời Nevada cho chiến dịch vận động tiếp theo.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng việc chính quyền Tổng thống Trump không muốn tham gia các thỏa thuận quốc tế và những quan điểm của Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton mới là nguyên nhân thực sự đằng sau quyết định này của Tổng thống Trump.
Việc ký kết hiệp ước hạt nhân năm 1987 được xem như một dấu mốc quan trọng trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc Chiến tranh Lạnh, nhằm giúp loại bỏ hàng nghìn tên lửa trên mặt đất với tầm bắn xấp xỉ từ 500 - 5.500 km.
Dưới đây là một số lý giải đằng sau quyết định rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Nga của Tổng thống Trump:
Nga
Mỹ từng một thời gian dài cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi triển khai các tên lửa hành trình. Các quan chức Mỹ và NATO cũng đã nhiều lần chỉ trích Nga về các hành vi vi phạm này.
Việc rút khỏi hiệp ước INF khiến Mỹ có thể phát triển các loại tên lửa tương tự và nhiều nhà phân tích lo ngại rằng hành động này của Washington thể gây nên một cuộc chạy đua vũ trang. Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng hành động này của Mỹ giúp ích cho Nga nhiều hơn bởi Moscow có thể vin vào đó để đổ lỗi cho Washington vì đã “khai tử” hiệp ước này.
"Các quan chức Nga có lẽ đang hào hứng với tin tức này”, ông Steven Pifer, một cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ và là một chuyên gia về kiểm soát vũ trang tại viện Brookings nhận định.
Sự phát triển tên lửa hành trình của Nga có thể sẽ ngày càng hiện đại. Điều đó tức là Moscow có thể triển khai rộng rãi hơn loại tên lửa này nếu hiệp ước hạt nhân bị "khai tử".
"Moscow sẽ tự do triển khai tên lửa hành trình 9M729 và các tên lửa đạn đạo tầm trung nếu họ muốn mà không có trở ngại nào nữa. Mỹ hiện không có loại tên lửa này nên Washington sẽ nhanh chóng triển khai để theo kịp Nga", ông Pifer nhận định.
Cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby - một nhà phân tích về ngoại giao và quân sự của CNN cũng nhất trí rằng quyết định rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung của Mỹ sẽ đem đến cho Moscow một vài lợi ích.
"Điều này có thể đem đến chiến thắng cho ông Putin và cho phép ông ấy tăng cường phát triển các loại tên lửa", ông Kirby nhận định.
Trung Quốc
Quân đội Trung Quốc đã có những nỗ lực hiện đại hóa đáng kể từ năm 1987 với việc đầu tư hàng tỷ USD cho việc mua sắm vũ khí mới.
Một lĩnh vực mà Trung Quốc cũng tập trung đầu tư mạnh mẽ nữa là phát triển tên lửa. Các quan chức cấp cao đứng đầu quân đội Mỹ đều nhận định rằng nếu Trung Quốc tham gia Hiệp ước INF, khoảng 95% trong số 2.000 tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình của quốc gia này sẽ vi phạm hiệp ước.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa ở bang Arkansas Tom Cotton cho rằng Trung Quốc là một trong những lý do khiến Mỹ cân nhắc đến việc rút khỏi Hiệp ước INF.
"Trung Quốc đang dự trữ các loại tên lửa và họ sẽ không để bị giới hạn bằng bất cứ giá nào. Từ lâu tôi đã kêu gọi Mỹ cân nhắc đến việc liệu hiệp ước này có phục vụ cho lợi ích của đất nước chúng ta hay không", ông Cotton tuyên bố.
Ông Kirby cũng cho rằng trong khi kho tên lửa của Trung Quốc là một "mối quan tâm về mặt pháp lý", ông cũng khẳng định rằng Mỹ có thể giúp đảo ngược tình hình bằng cách dựa vào những lợi thế về tên lửa hành trình trên biển, vốn không nằm trong các danh mục được quy định trong Hiệp ước INF.
Ông Bolton đứng đằng sau tất cả?
Một số nhà phân tích chỉ ra điều này trong một bài bình luận mà ông Bolton viết năm 2011 trước khi các vi phạm của Nga được công bố. Trong bài viết này, ông Bolton đã khẳng định Mỹ nên sớm rời khỏi hiệp ước và cho rằng các chương trình tên lửa của Iran chính là lý do cho việc này. Dù Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ khẳng định rằng các bài bình luận của ông không nhất thiết đại diện cho các chính sách mà ông theo đuổi khi đang đương nhiệm nhưng từ khi phục vụ trong chính quyền Tổng thống Trump, ông Bolton thường xuyên chỉ trích những điều ông cho là vi phạm chủ quyền của Mỹ.
"Tôi cho rằng nhiều khả năng ông Bolton đứng đằng sau quyết định này bởi ông ấy không thích các thỏa thuận đa phương, đặc biệt là những thỏa thuận mà theo quan điểm của ông ấy, là kiềm chế sự tự do trong hành động của Mỹ”, ông Kirby nhận định.
Ông Kirby cũng thông tin thêm một điều thú vị là cả Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc đều không đưa ra bất kỳ tuyên bố gì về việc Mỹ rút khỏi hiệp ước sau thông báo của ông Trump ngày 20/10.
Ông Bolton có thể sẽ thảo luận về hiệp ước này với các quan chức Nga trong chuyến thăm tới Moscow vào tuần sau.
Phản ứng của Quốc hội
Trong khi Thượng nghị sĩ Cotton thể hiện sự ủng hộ với quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Nga thì các thành viên khác trong Quốc hội lại có những phản ứng trái chiều.
“Rõ ràng Nga phải chịu trách nhiệm với việc làm suy giảm ảnh hưởng của hiệp ước INF. Tuy nhiên, rút khỏi hiệp ước này mà không có một chiến lược toàn diện giải quyết những vấn đề chiến lược cơ bản và không tham khảo ý kiến của Quốc hội hay các đồng minh của chúng ta, có thể đe dọa đến các lợi ích an ninh quốc gia dài hạn của Mỹ", Thượng nghị sĩ Robert Menendez khẳng định.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Bob Corker chia sẻ với người dẫn chương trình Jake Tapper của CNN trên "State of the Union" rằng ông cho rằng thông báo của Tổng thống Trump có lẽ là một nỗ lực nhằm khiến Nga phải quay lại tuân theo hiệp ước, tương tự như việc chính quyền Mỹ đã đe dọa rời NAFTA trước khi tái đàm phán một thỏa thuận thương mại mới sẽ được ký kết trong năm nay.
"Có lẽ đây chỉ là một động thái để khẳng định rằng nếu các anh không tuân thủ thì chúng tôi sẽ rút khỏi hiệp ước này", ông Corker nhận định. "Tôi hy vọng đó cũng là một trường hợp như vậy. Tôi mong chúng ta có thể tìm cách để tiếp tục ở lại hiệp ước".
Các đồng minh châu Âu
Trong khi chỉ trích các hành vi vi phạm hiệp ước của Nga, NATO cũng gọi hiệp ước INF là "cần thiết" để đảm bảo an ninh xuyên Đại Tây Dương.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã chỉ trích quyết định của ông Trump và gọi đó là một hành động "đáng tiếc", đồng thời nhận định thêm "điều này sẽ đặt ra những câu hỏi khó cho chúng tôi và EU".
Nhiều quan chức châu Âu nhớ lại "Cuộc khủng hoảng tên lửa châu Âu" những năm 1980 khi Liên Xô triển khai các tên lửa SS-20 tại các nước khối Warsaw đã gây nên những rạn nứt về chính trị trong lòng châu Âu về việc ủng hộ Mỹ triển khai tên lửa Pershing.
Nếu Mỹ phát triển và tìm cách xây dựng các tên lửa tầm trung trên mặt đất để chống lại Nga, Mỹ sẽ cần sự ủng hộ của các đồng minh châu Âu nhưng không có điều gì có thể đảm bảo trước cả.
Iran và Triều Tiên
Ông Kirby cho rằng quyết định rời khỏi hiệp ước có thể "phá hủy sự tín nhiệm của chúng ta trên bàn đàm phán" trong nỗ lực hướng đến cắt giảm các kho tên lửa của Triều Tiên và Iran./.
VOV.VN