Dân số già và thị trường việc làm cho người cao tuổi Việt Nam
Chính sách - Pháp luật về NCT 12/11/2024 17:38
Điều đó đặt ra vấn đề rất lớn cho xã hội, nếu phát huy tốt, đây sẽ là lực lượng lao động quan trọng góp phần vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, dù còn sức khỏe, có chuyên môn, kỹ năng cao, dạn dày kinh nghiệm… nhưng để tìm được công việc phù hợp đối với người cao tuổi không hề dễ dàng.
Người cao tuổi còn sức khỏe, có chuyên môn, kỹ năng cao, dạn dày kinh nghiệm… nhưng để tìm được công việc phù hợp không hề dễ dàng. Ảnh: Minh họa |
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã lường trước khó khăn, có nhiều giải pháp đối phó với già hóa dân số. Một trong những giải pháp hiệu quả là “tận dụng” người cao tuổi xem như một lực lượng lao động đặc biệt. Điều này làm cho thị trường việc làm không bị động trong nguồn cung lao động, đồng thời, giúp người lao động cao tuổi “sống vui, sống khỏe”, tự chủ về tài chính. Ở Nhật Bản các văn bản Luật định về việc làm của người cao tuổi, tạo điều kiện cho lao động cao tuổi kéo dài thời gian làm việc. Năm 2021, quốc gia này vẫn có hơn 70% người cao tuổi trên 60 tuổi tham gia thị trường việc làm. Tại Mỹ, năm 2024, 13 triệu người người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên vẫn đang làm việc, tăng 55% trong 10 năm trở lại đây (2014-2024). Hay ở Singapore, người cao tuổi từ trên 60 tuổi (33% tổng dân số) chưa nghỉ hưu.
Tạo việc làm phù hợp cho người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số là vấn đề cần được quan tâm. Ảnh: Minh họa |
Một khảo sát với hơn 3.500 người tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tham gia, trong đó có Việt Nam, cho thấy: Khác với những năm trước đây, ngày càng có nhiều NLĐ có ý định nghỉ hưu muộn hơn, tích lũy nhiều hơn, mong muốn đạt “an toàn tài chính” sau khi nghỉ hưu, bởi ảnh hưởng từ chia sẻ và lời khuyên của người thân thuộc thế hệ trước. Cụ thể, phần lớn lựa chọn nghỉ hưu ở độ tuổi trung bình là 64, các lý do giải thích cho lựa chọn này là: Do yêu thích công việc hiện tại (46%); do có nhu cầu tích lũy nhiều hơn (61%); do có mong muốn duy trì hoạt động thể chất và tinh thần cho cá nhân (49%)...
Trao đổi với truyền thông, GS.TS. Giang Thanh Long, Giảng viên cao cấp, Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, qua 3 cuộc điều tra quốc gia về người cao tuổi (2011, 2019, 2022), nhà trường phát hiện ra thu nhập của người cao tuổi để dành cho cuộc sống hàng ngày chiếm tới 35% - 38%, từ việc tự lao động hàng ngày và có xu hướng tăng lên; phần dựa vào con cái vẫn cao nhưng có xu hướng giảm xuống. Do đó, những công việc có thu nhập bấp bênh, không ổn định sẽ tác động rất nhiều đến người cao tuổi.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), những người lao động, người cao tuổi phải đi làm chỉ nhận được tiền lương bằng khoảng 38,5% mức lương bình quân trên thị trường. Người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được nghỉ hưu; những người làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp... tuy giảm sút về thể lực nhưng nhiều người còn đủ sức khỏe, trí tuệ, kinh nghiệm, có nhu cầu khởi nghiệp, học nghề để chuyển đổi sang việc làm mới phù hợp hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế, với người lao động từ 60 tuổi trở lên, công việc họ tìm được chủ yếu là bảo vệ, giúp việc gia đình, chăm sóc người già. Nhiều người cao tuổi có khả năng, kinh nghiệm, muốn đầu tư sản xuất, kinh doanh nhưng lại thiếu vốn...
Một vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là mặc dù các trung tâm giới thiệu việc làm có ở khắp các tỉnh, thành phố, nhưng những trung tâm việc làm dành riêng cho người cao tuổi lại chưa có. Việc thiếu các thông tin về việc làm, thiếu các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích việc làm cho người cao tuổi cũng là một thách thức trong quá trình tạo việc làm, ổn định cuộc sống và tăng thu nhập cho người cao tuổi.
Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có các quy định cụ thể hay chương trình khuyến khích, cho phép người cao tuổi tham gia vào các công việc có trả lương phù hợp với nhu cầu; như giờ làm việc linh hoạt hoặc rút ngắn thời gian làm việc trong ngày. Người cao tuổi thường làm việc trong khu vực phi chính thức, các công việc lao động tự do hoặc làm các công việc gia đình không được trả lương... Việc thiếu các quy định đã làm hạn chế cơ hội tham gia vào khu vực chính thức của người cao tuổi.
Mô hình NCT làm kinh tế giỏi điển hình tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Thanh Hà |
Ông Phạm Đại Đồng, Trưởng Phòng Người cao tuổi, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cũng cho rằng, cần có các chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi, người cao tuổi không phải thế chấp tài sản và có sự bảo lãnh của Hội Người cao tuổi cấp xã để họ sản xuất, kinh doanh quy mô vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, cần có chính sách miễn giảm phí học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp tình hình thực tế của địa phương nơi người cao tuổi cư trú; cần chính sách miễn giảm phí chuyển giao công nghệ, khuyến khích hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh.
GS.TS. Giang Thanh Long chia sẻ, Chính phủ và toàn xã hội cần có những chính sách cụ thể. Do đó, cần loại bỏ định kiến về người cao tuổi, đặc biệt trong các lĩnh vực như giáo dục, chăm sóc sức khỏe. Các cơ quan chức năng cần hỗ trợ về đào tạo, chuyển đổi việc làm, vay vốn ưu đãi cho người cao tuổi; thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động cao tuổi, tạo điều kiện cho họ tham gia vào thị trường lao động phù hợp với khả năng. Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy, việc yêu cầu doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động làm việc đến 70 tuổi, cũng như cho phép người lao động lựa chọn thời điểm nhận lương hưu linh hoạt hơn đã giúp người cao tuổi có việc làm phù hợp và có thể tự quyết định khi nào nghỉ hưu.
Theo Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, số liệu tổng hợp từ các địa phương, đến năm 2023, Việt Nam có hơn 7 triệuđang trực tiếp lao động, sản xuất kinh doanh, trong đó có hơn 50% người cao tuổi trong độ tuổi từ 60-69; hơn 19% người từ 70-79 tuổi vẫn đang lao động, tạo ra thu nhập... Cả nước hiện có 221.000 người cao tuổi đang làm chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh làm ra những sản phẩm có giá trị, góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Nhiều người cao tuổi đã và đang khởi nghiệp thành công, khẳng định vị trí, vai trò của mình.
Ông Nguyễn Đình Phú, hội viên NCT tỉnh Gia Lai làm giàu từ cây cà phê. Ảnh: Thanh Hà |
Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Nguyễn Ngọc Toản, về lâu dài cần thiết kế các hệ thống đào tạo nghề, việc làm, học tập suốt đời mang tính mở, linh hoạt để hỗ trợ các đối tượng yếu thế, trong đó có người cao tuổi. Hiện nay, để hỗ trợ người cao tuổi trong việc hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho người cao tuổi, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2156 ngày 21/12/2021 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi, giai đoạn 2021-2030. Chương trình đưa ra mục tiêu cụ thể là: Giai đoạn 2022-2025, ít nhất 50% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm, ít nhất 20.000 người cao tuổi được hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp. Giai đoạn 2026-2030: Ít nhất 70% người cao tuổi có nhu cầu, khả năng lao động có việc làm, ít nhất 30.000 người cao tuổi được hỗ trợ khởi nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp...
Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất bổ sung quy định chính sách hỗ trợ chuyển tiếp việc làm và hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi, gồm: hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động lớn tuổi; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm phù hợp cho lao động cao tuổi; các chính sách ưu tiên khi sử dụng lao động cao tuổi (vay vốn, tham gia chính sách việc làm công…).