Tiếp tục bổ sung hoàn thiện các chính sách, pháp luật về người cao tuổi
Hoạt động hội 26/05/2022 16:44
Ông Nguyễn Văn Chính, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Phát huy vai trò NCT, Hội NCT Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Chính |
“Chúng tôi rất phấn khởi, tự hào vì NCT cả nước có đại biểu đại diện cho 12 triệu NCT và gần 10 triệu hội viên trong Quốc hội khóa XV. Đồng thời mong muốn Quốc hội, các cơ quan chức năng sớm xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật NCT, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò NCT trong giai đoạn hiện nay.
Thông qua các chuyến công tác về địa phương cơ sở, các chương trình khảo sát của Trung ương Hội và các Ban chuyên môn, nghe phản ánh của cán bộ, hội viên, chúng tôi thấy nhận thức của các cơ quan chức năng về NCT, trách nhiệm đối với công tác NCT một số nơi còn chưa thật đầy đủ. Một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác NCT, chưa hỗ trợ tích cực để Hội NCT hoạt động nên Hội rất khó khăn. Bên cạnh đó, bản thân một số cán bộ làm công tác Hội cũng chưa nhận thức đúng về chức năng, nhiệm vụ, vai trò của mình trong xã hội nên chưa tích cực tham mưu để lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng vào cuộc, chỉ đạo, phối hợp triển khai công tác Hội NCT.
Hiện NCT đa phần sống ở nông thôn, nhiều NCT sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế - xã hội cũng như cuộc sống vật chất, tinh thần và trình độ dân trí còn hạn chế. Khi được chúng tôi hỏi, nhiều NCT còn chưa nhận thức đầy đủ vai trí của mình trong gia đình và cộng đồng. Do vậy, rất cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội về NCT. Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã ban hành các chính sách nhằm phát huy vai trò NCT trong bối cảnh già hóa dân số hiện nay, tuy nhiên việc thực thi các chính sách này chưa thật sự đầy đủ. Chúng tôi mong muốn đại biểu Quốc hội đại diện cho tiếng nói của NCT nói riêng và các đại biểu Quốc hội nói chung tăng cường giám sát thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia về NCT, thực hiện Luật NCT và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCT”.
Ông Lê Ngọc Sơn, nguyên Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy viên Thường trực Hội NCT tỉnh Tuyên Quang
Ông Lê Ngọc Sơn |
“Về cơ sở vật chất, chúng tôi kiến nghị Nhà nước cần có nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để hỗ trợ NCT hoạt động như xây dựng Trung tâm Văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao dành cho NCT, 100% bệnh viện có Khoa Khám bệnh cho NCT... Sửa đổi bổ sung Luật NCT phù hợp yêu cầu chăm sóc, phát huy vai trò NCT như: “Khi tham gia giao thông NCT được giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện”, không phân biệt phương tiện công cộng hay tư nhân. Như vậy mới huy động được toàn xã hội quan tâm có ý thức “Kính lão, trọng thọ” đối với NCT. Đề nghị hạ độ tuổi hưởng bảo trợ xã hội xuống 75 tuổi trên phạm vi cả nước, vì thực tế nhiều NCT từ 75 tuổi trở lên (không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội sức khỏe yếu và rất khó khăn, rất cần có bảo trợ của Nhà nước. Đưa đối tượng NCT vào Luật Thi đua - Khen thưởng, hiện trong Luật Thi đua khen thưởng chưa đề cập đến NCT nên các cơ quan chuyên môn về công tác thi đua khen thưởng khó thực hiện.
Hiện nay Ủy ban Quốc gia về NCT, Ban Công tác NCT các tỉnh chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm ít quan tâm đến việc kiêm, nên hiệu quả hoạt động thấp. Tại địa phương, từ khi thành lập đến nay có Ban Công tác NCT chưa họp lần nào, không có chỉ đạo gì ngoài việc giao cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội - Cơ quan thường trực chỉ đạo, thực hiện, vì vậy đề nghị hạn chế phân công kiêm nhiệm vụ đối với công tác NCT”.
Ông Nguyễn Văn Minh, 66 tuổi, NCT phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội
Ông Nguyễn Văn Minh |
“Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, do quá trình đô thị hóa nên tỉ lệ NCT sống ở nông thôn giảm từ 72,47% vào năm 2009 xuống 67,16% vào năm 2019, NCT sống ở thành thị tăng từ 27,53% lên 32,84%. Tuy nhiên, tỉ lệ NCT trẻ tuổi hơn sống ở thành thị cao hơn ở nông thôn, còn tỉ lệ NCT sống ở nông thôn thì càng cao tuổi càng tăng lên. Đây là xu hướng phân bố dân số quan trọng cần nghiên cứu khi xây dựng, quy hoạch các chính sách, dịch vụ dành cho NCT, đặc biệt là nhóm đại lão với các yếu tố kinh tế, sức khỏe thể hiện nhu cầu cần chăm sóc.
Trong thực tế, tình trạng này ở nhiều vùng quê, nhất là vùng nông thôn miền núi thì càng rõ. Nếu như vài chục năm trước, nhà nào cũng có trẻ con, nhiều nhà 3, 4 thế hệ cùng sinh sống thì nay 60-70% số hộ chỉ có người từ 40 - 50 tuổi. Còn trên đồng ruộng lại càng ít lao động thanh niên, mà chỉ có người già còn bám trụ, bởi con cháu đều ra thành phố làm ăn. Thậm chí, nhiều NCT còn sức khỏe cũng có xu hướng ra thành phố tìm việc làm như chạy xe ôm, bốc vác thuê, giúp việc gia đình… bởi chỉ cần đi làm thuê 2 tháng ở thành thị cũng có thu nhập bằng cấy lúa cả năm ở nông thôn. Vì vậy, đã và đang xảy ra tình trạng nông dân, nhất là nông dân cao tuổi bỏ ruộng, bán đất đai để ra thành phố.
Mặc dù Chương trình nông thôn mới đã phát huy tốt hiệu quả, giúp cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống nông dân nói chung và nông dân cao tuổi nói riêng ngày càng tốt hơn, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Chẳng hạn, trong sản xuất, người nông dân hiện nay gần như phải tự chủ hoàn toàn từ đầu vào đến đầu ra cho nông sản. Việc trồng cây gì, nuôi con gì hoàn toàn tự phát theo phong trào và cung cầu của thị trường nên luôn vướng vào điệp khúc “được mùa, mất giá - được giá, mất mùa”. Trong khi đó, chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp như thức ăn gia súc, phân bón, thuốc trừ sâu, công cày bừa, thu hoạch, vận chuyển… ngày càng tăng cao, khiến sản xuất càng làm, càng lỗ. Đối với nông dân cao tuổi, do đặc thù tuổi tác, sức khỏe, trình độ văn hóa… họ còn khó tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, những thành tựu khoa học kĩ thuật tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi; thiếu kiến thức về thị trường, thông tin, quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội… Vì thế, hiệu quả sản xuất của họ càng tỉ lệ nghịch với tuổi tác.
Một vấn đề khác cũng khá nhức nhối, đó là ở một số nơi, nhất là vùng nông thôn ven đô an ninh không bảo đảm, tình trạng trộm cắp, phá hoại nông sản còn xảy ra. Nhiều nông dân than thở: “Trồng được cây rau sạch mà ăn cũng không đơn giản, bởi phải đối phó với nhiều thứ “giặc”. Từ thời tiết mưa nắng thất thường không theo quy luật, rồi đủ thứ sâu, bệnh, chuột bọ đến lúc được ăn thì lại lo trộm đạo. Thôi thì, phải xác định ăn non, ăn chia với kẻ trộm, được thu 50% đã là quý rồi”.
Mới đây, Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII đã tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung 7 khóa X về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, chỉ ra nhiều vấn đề cần khắc phục trong thời gian tới. Mong rằng, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhất là những chính sách liên quan đến đời sống NCT ở nông thôn và an ninh nông thôn”.
Ông Trần Đình Long, Trưởng BĐD Hội NCT huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk
Ông Trần Đình Long |
“Hệ thống tổ chức Hội NCT hiện nay đang tồn tại 2 hình thức (Ban Đại diện và Hội); trong đó mô hình Ban Đại diện đã thể hiện những bất cập trong quản lí, vận hành và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Qua thực tế tại địa phương cho thấy, vai trò NCT trong gia đình, xã hội ngày càng được khẳng định thông qua sự đóng góp thiết thực, hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy ở đâu cấp ủy, chính quyền quan tâm đến NCT; cán bộ, hội viên NCT biết chăm lo xây dựng tổ chức Hội NCT vững mạnh, chăm sóc và phát huy tốt vai trò NCT thì nơi đó kinh tế phát triển, cuộc sống ổn định, đoàn kết nông thôn được củng cố, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và đời sống văn hóa nâng cao, hạn chế được tội phạm và các tệ nạn xã hội. Thông qua hệ thống tổ chức Hội, đại đa số NCT đều có nguyện vọng tổ chức Hội NCT được chuyển đổi thống nhất trong cả nước, tạo điều kiện tổ chức chỉ đạo, triển khai hiệu quả và đồng bộ các chính sách cho NCT và các phong trào của Hội”.