Cứu đói
Trong mắt người già 15/03/2024 10:02
Theo đó, các tỉnh Tây Ninh: 351,81 tấn gạo; An Giang: 501,825 tấn gạo; Quảng Ngãi: 332,37 tấn gạo; Kiên Giang: 22.185 tấn gạo; Lạng Sơn 236,4 tấn gạo; Cao Bằng: 666,015 tấn gạo; Bình Định: 170,85 tấn gạo; Gia Lai: 606,675 tấn gạo; Nghệ An: 1.080,255 tấn gạo; Bạc Liêu: 483,735 tấn gạo; Đắk Nông: 317,85 tấn gạo; Ninh Thuận: 982,05 tấn gạo; Đắk Lắk: 920,13 tấn gạo và tỉnh Bình Phước: 476,805 tấn gạo.
Trong số hơn 7.000 tấn gạo hỗ trợ Nhân dân trong dịp Tết Giáp Thìn và giáp hạt năm 2024, Nghệ An là tỉnh “xin” Chính phủ nhiều nhất: 1.080,255 tấn. Tiếp đó lần lượt là các tỉnh Ninh Thuận: 982,05 tấn; Đắk Lắk: 920,13 tấn gạo.
Ảnh minh họa |
Việt Nam tự hào có nền “văn minh lúa nước”, từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới đến nay sản lượng lúa gạo khá dồi dào, luôn nằm ở tốp đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Trong các báo cáo, địa phương nào cũng nói rất hay về các thành tựu phát triển kinh tế nông nghiệp. Thế mà Tết này, vẫn có 14 tỉnh phải “xin” Trung ương gạo để “cứu đói” cho dân. Các nơi khó khăn như Lạng Sơn, Cao Bằng, Đắk Nông, Ninh Thuận… đã đành, các địa phương được coi là khá giả như An Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang… cũng xin gạo Trung ương để cứu đói cho dân thì quả là… bất ngờ.
Năm 2023, mặc dù thị trường lương thực toàn cầu có nhiều biến động nhưng Việt Nam vẫn xuất khẩu trên 8,1 triệu tấn gạo, cao nhất trong 16 năm qua. Nhưng chưa vội bàn về xuất khẩu gạo mà hãy trở lại câu chuyện các tỉnh xin Trung ương gạo để cứu trợ cho dân trong dịp Tết Giáp Thìn và giáp hạt năm 2024 thấy có điều gì đó chưa …ổn!
Nhớ lại, dịp cuối năm 2023 vừa rồi, tỉnh, thành nào cũng mở hội nghị tổng kết, “báo công” khá hoành tráng, trong đó có thành tích sản xuất nông nghiệp. Cạnh đó, các chỉ số như tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) nhiều tỉnh đạt cao, hai con số trở lên. Có tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước giữ nhịp thu hút vốn nước ngoài. Rõ ràng là họ có thực lực, tiềm năng sao lại không “xân xiu” được mấy chục tấn gạo cứu đói cho người dân trên địa bàn mà lại đi “ngửa tay” xin Trung ương?.
An ninh lương thực đất nước từ lâu đã trở thành một nguyên tắc, một mệnh lệnh. “An ninh lương thực” ở đâu không biết, nhưng vẫn còn 14 tỉnh phải xin gạo cứu đói, thì “an ninh” ấy chưa thực sự bền vững.
Việt Nam sẽ là nước công nghiệp phát triển trong nay mai. Trước khi bước ra vùng “hào quang” ấy, dứt khoát các tỉnh, thành phố không được để dân đói. Bởi các đồng chí lãnh đạo Đảng ta từng nhắc: “Tuyệt đối không để người dân bị đói”. Trên cả lời căn dặn, đó còn là mệnh lệnh của núi sông. Bởi nếu để dân đói là cấp uỷ, chính quyền có tội!