Con người dưới cách nhìn của y học cổ truyền (Kì 26)
Sức khỏe 08/04/2021 10:34
E. Công năng tạng Thận với sức khỏe con người
6. Bệnh lí tạng Thận (tiếp)
6.3. Hội chứng thận dương hư sinh thủy thũng
Thận có chức năng khí hóa nước. Thận dương hư yếu sẽ không làm chủ được thủy, việc khí hóa ở bàng quang sẽ bất lợi, thủy dịch do đó sẽ bị ứ trệ, tràn lan ra ngoài gây nên chứng thủy thũng.
Hội chứng thận dương hư sinh thủy thũng thường do tiên thiên bất túc hoặc do mắc bệnh lâu ngày gây ra.
Triệu chứng lâm sàng của chứng thận dương hư sinh thủy thũng gồm có: Người mệt mỏi, chóng mặt, ù tai, mắt kém, đau mỏi thắt lưng. Bệnh nhân sợ gió, sợ lạnh, bụng trướng, tiêu hóa bị rối loạn, dễ tiêu chảy. Sắc mặt nhợt nhạt, tay chân phù thũng, tay chân lạnh, mồ hôi tự ra, tiểu ít, nước tiểu trong, phân lỏng; chất lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm vô lực.
Đối chiếu sang Y học hiện đại, chúng ta sẽ thấy các biểu hiện của chứng thận dương hư sinh thủy thũng gặp trong một số bệnh lí như viêm thận mạn, suy tim, hội chứng thận hư.
Pháp điều trị chứng thận dương hư sinh thủy thũng là ôn dương lợi thấp. Các phương thuốc thường dùng đó là Tế sinh thận khí hoàn, Chân vũ thang.
6.4. Hội chứng tâm thận dương hư
Nguồn gốc của hội chứng tâm thận dương hư thường là do thận dương hư, thận khí bất túc dẫn đến. Do đó các nguyên nhân gây ra chứng thận dương hư đều có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng này.
Thận dương là cội nguồn của nhiệt năng trong cơ thể, dương khí của thận suy yếu dẫn đến tâm dương cũng suy theo. Các biểu hiện lâm sàng của hội chứng tâm thận dương hư đó là: Người mệt mỏi, không muốn hoạt động, tinh thần uể oải, trầm cảm, chóng mặt, ù tai, mắt kém. Bệnh nhân thường bị đau mỏi thắt lưng. Kèm theo có biểu hiện sợ gió, sợ lạnh, rối loạn tiêu hóa, dễ bị tiêu chảy. Sắc mặt nhợt nhạt, chân tay lạnh, tự ra mồ hôi (tự hãn), tiểu ít, nước tiểu trong, đi ngoài phân lỏng. Lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm trì, vô lực.
Các biểu hiện của chứng tâm thận dương hư thường thấy trong các bệnh lí xơ cứng mạch vành, suy tim, bệnh tiểu đường, suy thận mạn trong y học hiện đại.
Pháp điều trị chứng tâm thận dương hư đó là ôn bổ tâm thận. Thường dùng các loại thuốc bổ thận dương kết hợp với thuốc bổ Tâm.
6.5. Hội chứng tì thận dương hư
Nguồn gốc của hội chứng tì thận dương hư thường xuất phát từ thận dương hư, thận khí bất túc. Thận dương là chân dương là gốc rễ dương khí, là nguồn gốc nhiệt năng của toàn bộ cơ thể. Tì vị cần có hỏa của thận dương nung nấu mới có thể phát huy tác dụng chuyển vận, tiêu hóa đồ ăn thức uống. Khi dương khí của thận suy giảm, sẽ khiến cho dương khí của tì thổ cũng suy theo khiến cho việc tiêu hóa bị rối loạn.
Các biểu hiện lâm sàng của hội chứng tì thận dương hư đó là: Người mệt mỏi, không muốn vận động, chóng mặt, ù tai, mắt kém, hay đau mỏi thắt lưng. Bệnh nhân có biểu hiện sợ gió, sợ lạnh, tự ra mồ hôi. Kèm theo đau bụng, lạnh bụng, bụng trướng, rối loạn tiêu hóa, dễ bị tiêu chảy, ngũ canh tả, chườm ấm thấy dễ chịu hơn. Ngoài ra, bệnh nhân có thể có đi tiểu nhiều lần, tiểu trong, tiểu không tự chủ, di tinh, hoạt đinh, liệt dương, vô kinh (biểu hiện thận dương hư). Chất lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm trì, vô lực.
Khi so sánh các biểu hiện lâm sàng của hội chứng tì thận dương hư với các triệu chứng của các bệnh lí trong Y học hiện đại chúng ta thấy rằng các biểu hiện này tương đồng với một số bệnh lí như suy nhược cơ thể, rối loạn tiêu hóa mạn tính, viêm đại tràng mạn, viêm thận mạn.
Pháp điều trị hội chứng tì thận dương hư đó là ôn bổ tì thận. Phương thuốc thường dùng để điều trị chứng bệnh này đó là Hữu quy ẩm, Tứ thần hoàn,...
Con người dưới cách nhìn của y học cổ truyền (Kì 25) |
Con người dưới cách nhìn của y học cổ truyền (Kì 24) |
Con người dưới cách nhìn của y học cổ truyền (Kì 23) |