Con người dưới cách nhìn của y học cổ truyền (Kì 24)
Sức khỏe 25/03/2021 10:00
4. Công năng phủ Bàng Quang
Bàng quang là nơi chứa đựng và bài tiết nước tiểu thông qua sự khí hóa và sự phối hợp của tạng thận.
Bàng quang có mối quan hệ biểu lí với tạng Thận. Sự khí hóa ở bàng quang tốt hay xấu đều dựa vào thận khí thịnh hay suy. Nếu thận khí kém sẽ gây chứng di niệu, tiểu không tự chủ, đái dầm, bí tiểu, đái rắt hoặc đái nhiều lần,….
5. So sánh sự giống và khác nhau giữa quan điểm Y học cổ truyền và Y học hiện đại về “Bàng quang”
Theo quan điểm Y học hiện đại, chức năng của bàng quang đó là nơi chứa nước tiểu do thận bài tiết ra và đào thải nước tiểu ra ngoài thông qua đường niệu đạo.
Bàng quang cũng có vai trò dự trữ nước tiểu cho cơ thể. Hoạt động của 3 lớp cơ của bàng quang sẽ đẩy nước tiểu ra ngoài theo từng đợt.
Lớp cơ trơn bàng quang chịu sự chi phối của thần kinh phó giao cảm xuất phát từ tủy, đây là cơ tống nước tiểu ra ngoài.
Ảnh minh hoạ |
Cơ vòng ở cổ bàng quang và lỗ niệu đạo chịu sự chi phối của thần kinh giao cảm, có chức năng kiểm soát quá trình đi tiểu. Ở nam giới, cơ này còn có chức năng ngăn chặn tinh dịch không bị trào ngược vào bàng quang khi xuất tinh.
Cơ vân ở vòng ngoài có thể điều khiển theo ý muốn.
Chức năng chứa và bài tiết nước tiểu của bàng quang được kiểm soát và điều khiển bởi cơ chế thần kinh phức tạp do hệ phó giao cảm tủy cùng, các sợi giao cảm tủy ngực và một phần của thân não, tủy sống chi phối.
Khi bàng quang chứa đầy nước tiểu, các dây thần kinh tại đây sẽ gửi tín hiệu này về não. Khi nhận được tín hiệu này, não sẽ gửi tín hiệu phản hồi xuống bàng quang, làm cho thành bàng quang co lại, cùng với đó cơ thắt và van ở gần niệu đạo sẽ giãn dần và mở ra để nước tiểu chảy xuống và đi ra ngoài cơ thể.
Như vậy chúng ta có thể thấy chức năng của “Bàng quang” theo quan điểm Y học cổ truyền và Y học hiện đại đều có chức năng đó là nơi chứa nước tiểu do thận bài tiết và đào thải nước tiểu ra ngoài thông qua niệu đạo.
Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa hai quan điểm đó là sự chi phối hoạt động của Bàng quang. Theo quan điểm Y học cổ truyền, hoạt động của Bàng quang có mối quan hệ mật thiết với chức năng của tạng Thận. Sự khí khóa của bàng quang có tốt hay không đều dựa vào thận khí thịnh hay suy. Khi Thận khí thịnh, sự khí hóa của bàng quang tốt, khi đó bàng quang chứa được nhiều nước tiểu, đi tiểu bình thường. Khi Thận khí suy giảm, sự khí hóa của bàng quang không tốt, thì bàng quang mới chứa được ít nước tiểu mà đã buồn đi tiểu, hoặc có các biểu hiện khác như tiểu són, tiểu không hết, đái dầm,…
Đồng thời thận còn có chức năng là chủ tiền âm, hậu âm. Tiền âm là nơi bài tiết nước tiểu, hậu âm là nơi bài tiết phân. Sự đóng mở của tiền âm và hậu âm chịu sự chi phối của thận, vì vậy nói “thận chủ nhị tiện”. Chính vì vậy chức năng lưu giữ bà bài tiết nước tiểu của Bàng quang phụ thuộc vào chức năng của tạng Thận.
Còn theo quan điểm của Y học hiện đại, sự điều khiển hoạt động của Bàng quang chủ yếu phụ thuộc vào hệ thần kinh. Sự chi phối, chỉ huy từ trên não, xuống tủy sống, sau đó qua các dây thần kinh và hệ thần kinh phó giao cảm truyền đến bàng quang.