Con người dưới cách nhìn của y học cổ truyền (Kì 25)
Sức khỏe 01/04/2021 14:00
6. Bệnh lí tạng Thận
Tạng thận gồm có thận âm và thận dương, có biểu hiện các chứng bệnh thuộc hư. Thận chủ bế tàng, có nghĩa là đóng kín, cách nói này diễn tả sự cất giữ kín đáo, đóng kín. Thận là gốc của tiên thiên, là rễ của sự sống, cất giữ chân âm mà tàng giữ chân dương.
Thận tàng chứa tinh, thận tinh nên được cất giữ (bế tàng) chứ không nên phát tiết mà làm hao tổn, giống như rễ của cây, nguồn của nước: Rễ cây không được cắt đứt, nguồn nước không được để khô cạn.
Từ lí luận “Thận chủ bế tàng” đã phát sinh ra quan điểm “hữu hư vô thực” có nghĩa là chỉ có hư chứng, không có thực chứng, thận tinh không thể tả, thận hỏa không thể phạt. Đây chính là những quy tắc dùng để điều trị các chứng trạng bệnh tật của tạng Thận trên lâm sàng.
6.1. Hội chứng thận âm hư
Thận âm còn gọi là “Nguyên âm”, “Chân âm” là gốc của âm dịch trong cơ thể con người, đối với các tổ chức tạng phủ khí quan, có tác dụng tư dưỡng nhu nhuận. Ngoài ra, thận âm còn có tác dụng chế ước dương khí trong Thận dương, phòng ngừa sự kháng thịnh vọng động của dương khí.
Hội chứng thận âm hư do các nguyên nhân sau đây gây ra: Do bệnh lâu ngày, do phần âm dịch của cơ thể bị tổn thương (thường gặp trong những trường hợp sốt cao kéo dài, mất máu, mất tân dịch), do tinh hao tổn gây ra.
Thận âm bất túc có thể biểu hiện bệnh lí ở hai phương diện: Một là tư dưỡng bất túc, hai là âm không chế ước được dương, sinh hư nhiệt quấy nhiễu bên trong.
Thận âm hư khiến cho việc tư dưỡng bất túc sẽ có các biểu hiện lâm sàng như huyễn vựng, ù tai, đại tiện táo, thân hình gầy ốm, họng khô lưỡi ráo.
Thận âm hư không chế ước được dương, sinh hư nhiệt quấy nhiễu bên trong sẽ có các biểu hiện trên lâm sàng như ngũ tâm phiền nhiệt (vùng trước tim, lòng bàn tay, lòng bàn chân hai bên nóng), triều nhiệt gò má đỏ, đạo hãn, mất ngủ, nam giới bị mộng tinh, di tinh, nữ giới bị mộng giao, lưng yếu gối mỏi.
Đối chiếu với các bệnh lí trong Y học hiện đại, có thể thấy rằng hội chứng thận âm hư là hội chứng bệnh lí rất phổ biến trên lâm sàng và gặp trong rất nhiều bệnh lí khác nhau như: Suy nhược cơ thể, lão suy, suy nhược sau viêm nhiễm kéo dài, lao phổi, bệnh tiểu đường, rối loạn thần kinh chức năng, suy sinh dục,…
Pháp điều trị chứng thận âm hư khi biểu hiện hư nhiệt chưa nhiều chủ yếu là tư bổ thận âm là chính, phương thường dùng là Lục vị hoàn, Tả quy hoàn,... Với trường hợp thận âm hư với hư hỏa rõ rệt thì pháp điều trị là tư âm giáng hỏa, phương thường dùng là Tri bá địa hoàng hoàn, Đại bổ âm hoàn,…
6.2. Hội chứng thận dương hư
Thận dương còn được gọi là “Chân dương”, “Nguyên dương”, là gốc rễ của dương khí trong cơ thể con người, có công năng ôn ấm cho cơ thể, thúc đẩy khí hóa để giúp cho âm hàn không bị ngưng kết.
Thận dương hư (thận khí bất túc) thường do bẩm tố tiên thiên không đủ, do mắc bệnh lâu ngày, hoặc do lao lực quá độ, lão suy gây ra.
Biểu hiện bệnh lí của chứng thận dương hư gồm có: Một mặt là biểu hiện sức ôn ấm mất đi, tinh thần mệt mỏi, sợ lạnh, chân tay lạnh, eo lưng, chân lạnh đau, dương nuy, lạnh tử cung, vô sinh, công năng tính dục suy giảm,… Một mặt là biểu hiện khí hóa rối loạn, trao đổi thủy dịch bất thường, xuất hiện chứng tiểu ít, bí tiểu, hoặc tiểu không cầm được, thủy thũng,…
Đối chiếu với các bệnh lí trong Y học hiện đại, chúng ta có thể thấy các biểu hiện của chứng thận dương hư thường gặp trong một số bệnh lí như suy sinh dục, di tinh, liệt dương, suy hô hấp mãn, suy nhược cơ thể, các bệnh mạn tính có kèm suy nhược.
Pháp điều trị chứng thận dương hư chủ yếu là ôn bổ thận dương, hoặc ôn thận nạp khí, hay bổ thận cố tinh, tùy theo bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng nào là chính. Các phương thuốc thường dùng để điều trị chứng này đó là Thận khí hoàn, Cố tinh hoàn, Hữu quy ẩm,…
Do giữa thận âm và thận dương có một mối quan hệ mật thiết, nên trong quá trình biến hóa của bệnh thường có ảnh hưởng hỗ tương. Khi thận âm hư phát triển đến một mức độ nhất định có thể sẽ liên lụy đến thận dương mà hình thành chứng âm dương lưỡng hư, còn gọi là “Âm tổn cập Dương”. Ngược lại khi thận dương hư đến một mức độ nhất định thì có thể liên lụy đến thận âm rồi biến chứng thành âm dương lưỡng hư, còn gọi là “Dương tổn cập âm”.