Con người dưới cách nhìn của y học cổ truyền (Kì 23)
Sức khỏe 18/03/2021 09:28
3. So sánh sự giống và khác nhau giữa tạng Thận trong Y học cổ truyền và Thận trong Y học hiện đại
Điểm giống nhau giữa tạng Thận trong Y học cổ truyền và Thận trong Y học hiện đại đó là đều có chức năng lọc máu và bài tiết nước tiểu. Chức năng lọc máu và bài tiết nước tiểu của tạng Thận trong Y học cổ truyền đã được nêu rõ ở công năng chủ về khí hóa nước. Thận khí có chức năng khí hóa nước, tức là đem “nước” do đồ ăn uống đưa tới cho các tổ chức cơ thể và bài tiết nước ra ngoài.
“Nước” thu được từ đồ ăn uống chính là nước và các chất dinh dưỡng đã được hấp thu đưa vào trong máu (trong các tĩnh mạch). Máu từ các tĩnh mạch sau đó được đưa lên phế để trao đổi lấy oxy trước khi được phân bố đi toàn thân. Trong mỗi chu kì tuần hoàn, một phần máu sẽ được đưa qua thận để lọc bỏ các chất thải tạo thành nước tiểu rồi đưa xuống bàng quang. Phần máu sau khi được lọc sẽ theo tĩnh mạch về Phế và tiếp tục được phân bố đi đến các cơ quan bộ phận khác trong cơ thể.
Thận trong Y học hiện đại có chức năng “điều hòa thể tích máu” thông qua việc sản xuất nước tiểu. Vai trò này cũng nằm trong chức năng chủ về khí hóa nước của Thận trong Y học cổ truyền, bởi từ “nước” ở đây chỉ tất cả dịch trong cơ thể con người.
Ngoài những chức năng chính kể trên, theo Y học hiện đại thận còn tham gia và quá trình chuyển hóa vitamin D thành dạng có hoạt tính cần thiết cho việc cơ thể hấp thu canxi từ thức ăn, sự tăng trưởng của xương và răng. Vai trò này tương ứng với chức năng thận chủ cốt tủy trong Y học cổ truyền. Tinh được tàng trữ ở thận, tinh sinh tủy, tủy vào trong xương, nuôi dưỡng xương, vì vậy nói thận chủ cốt tủy.
Theo Y học hiện đại, thận sản xuất ra erythropoietin có tác dụng làm tăng sản xuất hồng cầu ở tủy xương khi lượng oxy ở mô giảm. Còn trong Y học cổ truyền, huyết do tinh sinh ra, mà tinh lại được tàng trữ ở thận. Mà hồng cầu chính là một phần quan trọng trong máu (huyết). Vì vậy chúng ta có thể thấy có sự tương đồng trong quan điểm của hai nền y học trong chức năng này của thận.
Ngoài những điểm giống nhau kể trên, thì chức năng của thận theo quan điểm Y học hiện đại và Y học cổ truyền vẫn có những điểm khác nhau. Thận trong Y học hiện đại còn có chức năng tham gia vào quá trình điều hòa huyết áp trong cơ thể. Chúng ta có thể thấy “Huyết áp” là nội dung được sử dụng trong Y học hiện đại, nó chưa được nhắc đến trong Y học cổ truyền.
Ngược lại, Thận trong Y học cổ truyền còn đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng khác trong cơ thể, các chức năng này làm nằm ngoài vai trò của thận trong Y học hiện đại. Các chức năng đó bao gồm:
Thận chủ về sinh dục và phát dục của cơ thể: Thận tinh và thận khí có vai trò quyết định sự sinh dục và phát dục của cơ thể từ lúc nhỏ đến khi trưởng thành và cho tới lúc già yếu.
Thận sinh tủy, thông với não, vinh nhuận ra tóc: Thận sinh tủy, tủy ở trong xương nuôi dưỡng xương, tủy ở trong cột sống lên não, nên nói thận thông với não. Thận tàng tinh, tinh sinh tủy, tủy sinh huyết, mà theo Y học cổ truyền thì tóc là phần “thừa ra của huyết”, được huyết nuôi dưỡng, chính vì vậy nói thận là nguồn gốc sinh ra tóc.
Thận nạp khí: Theo Y học cổ truyền, không khí là do phế hít vào (điều này tương đồng với chức năng của Phổi trong Y học hiện đại), nhưng khí sẽ được giữ lại ở thận nên nói thận nạp khí. Điều này được thể hiện rõ qua việc sử dụng phương pháp bổ thận nạp khí để điều trị các chứng hen suyễn, ho do thận hư không nạp được khí, khiến cho phế khí nghịch lên gây bệnh.
Thận khai khiếu ra tai: Theo quan điểm của Y học cổ truyền, tai được thận tinh nuôi dưỡng, thận tinh bất túc sẽ gây chứng ù tai, điếc tai. Hiện tượng này thấy rõ nhất ở người già, khi đó thận tinh đã suy yếu nên khả năng nghe cũng bị suy giảm theo.
Thận chủ tiền âm, hậu âm: Tiền âm là nơi bài tiết nước tiểu (bộ phận sinh dục nam, nữ), theo Y học cổ truyền, thận không chỉ có chức năng lọc máu và bài tiết nước tiểu mà sự khí hóa của thận còn quản lí sự đóng mở của tiền âm, quản lí vấn đề đi tiểu của cơ thể.
Hậu âm là nơi chúng ta đại tiện ra phân (hậu môn) do tạng Tì quản lí, nhưng tì dương lại cần có sự khí hóa của thận để bài tiết phân ra ngoài. Do đó mới nói thận chủ hậu âm. Tiền âm quản lí tiểu tiện, hậu âm quản lí việc đại tiện, mà thận làm chủ hai nơi này do đó có thể nói thận chủ nhị tiện (tiểu tiện và đại tiện).(Còn nữa)