Chuyện Mỵ Châu thời nay
Trong mắt người già 23/07/2019 09:06
Mới đây, Công ty TNHH SSJ Consulting Việt Nam (Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản), đăng kí mua 29,7 triệu cổ phần GMD của CTCP Gemadept. Đây là một công ty lớn trong lĩnh vực vận tải biển và logistics tại Việt Nam. Doanh nghiệp này sở hữu rất nhiều cảng biển quan trọng, trong đó có 3 cảng biển tại Hải Phòng; cảng quốc tế Gemadept Dung Quất, Gemadept Nhơn Hội... Trước đó, năm 2017, Gemadept bán một phần mảng vận tải biển và logistics cho Tập đoàn CJ của Hàn Quốc.
Tiếp đó, họ khởi động các dự án rất lớn, tiêu biểu nhất là cảng nước sâu Gemalink. Đây là dự án cảng nước sâu duy nhất khu vực Cái Mép - Thị Vải với diện tích lên tới 72ha, có khả năng tiếp nhận loại tàu hàng lớn nhất thế giới hiện nay.
Ngoài ra, các nhà đầu tư ngoại còn “tấn công” mạnh vào các doanh nghiệp tôm, đồ uống, nước giải khát, nhựa, vật liệu xây dựng, dược, bán lẻ xăng dầu Petrolimex, Ngân hàng Thương mại cổ phần Vietcombank, Techcombank, PVOil, Vinhomes…
Ở lĩnh vực hóa dầu, Công ty Siam Cement thuộc Tập đoàn SCG của Thái Lan chính thức sở hữu 100% dự án hóa dầu Long Sơn sau khi kí hợp đồng với PetroVietnam để mua lại 29% cổ phần nhà máy hóa dầu này. Đáng ngại nhất là hàng loạt “ông lớn” ngoại dồn dập thâu tóm các chuỗi bán lẻ thị trường có quy mô 180 tỉ USD tại Việt Nam như Big C, Lotte, AEON, Circle K,...
Khi đã chấp nhận cuộc chơi sòng phẳng với quốc tế, ta không có quyền ngăn chặn các nhà đầu tư ngoại, cũng không được áp dụng hàng rào thuế quan khác biệt, không được quản lí xuất nhập khẩu bằng hạn ngạch... Đây là lí do mà các nhà đầu tư sẵn sàng đổ nhiều tỉ USD vào chiếm lĩnh nền kinh tế, từ bán lẻ cho tới các ngành trụ cột của nền kinh tế. Việc các doanh nghiệp Việt ngày càng “ốm yếu” trước các đại gia ngoại đã rõ, cái mà người dân “ngậm ngùi” chính là tầm nhìn chiến lược về an ninh kinh tế của ta còn loay hoay ở “lũy tre làng”. Các bộ, ngành chức năng thiếu sự nhạy bén, khôn ngoan trong tham mưu cho Đảng, Nhà nước điều hành nền kinh tế ở tầm vĩ mô. Và việc để các đại gia ngoại chiếm được mảng phân phối, bán lẻ đồng nghĩa với có thể chi phối, nắm quyền điều khiển hoạt động sản xuất, chính là ta thua “ấm ức” trên sân nhà.
Việc để các tập đoàn lớn nước ngoài thâu tóm, làm chủ “xương sống” nền kinh tế đất nước một cách dễ dàng gợi lại câu chuyện Mỵ Châu từ thời An Dương Vương cách nay mấy ngàn năm về trước. Để đất nước không bị thiệt thòi nhiều hơn nữa, để người tiêu dùng Việt tự hào về nền kinh tế Việt, cần tìm mọi cách ngăn “cơn lũ” ngoại tràn vào Việt Nam khi còn chưa quá muộn. Mặt khác, Nhà nước cần nâng tầm cho các tập đoàn trong nước bằng cách bồi đắp nguồn lực để những Vingroup, Masan, MWG... tiếp tục xây dựng mạng lưới bán lẻ cũng như hệ thống phân phối. Có như thế, mới hạn chế phần nào sự phụ thuộc sâu vào kinh tế nước ngoài, góp phần giữ vững ổn định và an ninh đất nước.