Chuyên gia hàng đầu của IMF nhận định kinh tế Mỹ sẽ giảm sâu
Quốc tế 10/12/2018 14:13
Tàu container chở hàng Trung Quốc cập cảng Long Beach, Los Angeles, Mỹ tháng 9/2018. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông Maurice Obstfeld - nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - đã đưa ra nhận định trên khi trả lời phỏng vấn tờ The Wall Street Journal và Financial Times số ra ngày 9/12.
Trong cuộc phỏng vấn hai tờ báo tài chính uy tín thế giới, ông Obstfeld đã nhắc lại dự báo trước đó cho rằng kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm tới. Theo ông, căn cứ vào số liệu tổng quan ở thời điểm hiện tại, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới này sẽ tiếp tục giảm sâu hơn trong năm 2020.
Trước đó, IMF đã hạ mức dự báo đối với tăng trưởng kinh tế Mỹ, điều chỉnh giảm từ mức 2,8% dự kiến trong năm 2018, còn 2,5% vào năm 2019. Nhà kinh tế trưởng của IMF Obstfeld cho rằng tình trạng kinh tế trở nên yếu kém hơn cũng sẽ được ghi nhận ở cả châu Á và châu Âu và điều này một lần nữa sẽ tác động ngược trở lại nền kinh tế Mỹ.
Trong nhiều tháng qua, ông vẫn luôn khẳng định các xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như giữa Washington với các đối tác thương mại khác, bao gồm châu Âu, chính là yếu tố đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này bác bỏ nguy cơ thế giới sẽ phải chứng kiến một cuộc "đại suy thoái" như những năm 30 của thế kỷ trước - thời điểm giao thương hoàn toàn đứt đoạn do sức ép từ các biện pháp siết chặt thương mại. Ông Obstfeld nêu rõ chiến tranh thương mại chắc chắn gây tổn hại đến các lợi ích kinh tế vì các hoạt động đầu tư và sản xuất toàn cầu gắn kết với nhau ở quy mô lớn, song "nguy cơ dẫn tới tình trạng sụp đổ như những năm 30 của thế kỷ 20 là điều không thể".
IMF ước tính cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm 0,8% đến năm 2020.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của UBS Global Wealth Management dự đoán đồng USD có thể sẽ yếu đi một thời gian trong năm 2019, bất chấp sự vững giá trong ngắn hạn nhờ môi trường lãi suất thuận lợi ở Mỹ và thị trường biến động.
Trong báo cáo Hướng đến năm 2019, UBS Global lưu ý đồng USD đã và đang được định giá quá cao nhờ “các chênh lệch tích cực về lãi suất ngắn hạn” so với những quốc gia khác, trong khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất. Ưu thế của đồng bạc xanh có thể giảm đi trong năm tới bởi đồng tiền này sẽ chịu sức ép đi xuống cả ở trong nước lẫn từ tình hình địa chính trị ở bên ngoài.
Xét về mặt địa chính trị, mặc dù bất ổn dai dẳng liên quan tới tình hình căng thẳng thương mại Mỹ - Trung làm gia tăng nhu cầu đối với đồng USD như một tài sản an toàn, châu Âu và Nhật Bản đang trong quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ, điều mà các chuyên gia UBS tin rằng sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh của đồng USD.
Giám đốc phụ trách đầu tư của UBS Global, ông Mark Haefele cho biết khi các đồng tiền khác bị định giá thấp, nhu cầu đối với đồng USD như một tài sản an toàn gia tăng do biến động thị trường kéo dài. Tuy nhiên, các thay đổi tiềm tàng trong lãi suất Mỹ sẽ gây ra sức ép đi xuống với đồng USD trong năm tới. Trong tương lai, sức mạnh của đồng USD được dự đoán sẽ suy yếu và đồng tiền này yếu đi so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới.
TTXVN