Chứng khoán châu Á rực sắc đỏ sau điều chỉnh lãi suất của FED
Quốc tế 20/12/2018 15:06
Tại Tokyo, Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,9%, tương đương 188,22 điểm, đứng ở mức 20.799,70 ngay đầu phiên. Chỉ số Topix giảm 0,68% (10,52 điểm) xuống 1.545,63 điểm.
Trong khi đó, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, thị trường chứng khoán châu Âu có phiên giao dịch cuối ngày 19/12 nhộn nhịp khi hầu hết các chỉ số quan trọng đều tăng điểm. Chỉ số FTSE 100 tại thị trường London tăng 1%, lên mức 6.765,94 tại cuối phiên, trong khi đó chỉ số DAX trên thị trường Frankfurt ghi thêm 0,2%, đứng ở mức 10.766,21. Chỉ số CAC ở Paris tăng 0,5%, lên mức 4.777,45. Các chỉ số khác của châu Âu như FTSE MIB tại Milan (Italy) cũng ghi nhận mức tăng 1,6%, chốt phiên ở mức 18.941,90.
Trước đó, chốt phiên giao dịch 19/12, toàn bộ các chỉ số chứng khoán chính tại Mỹ đều đồng loạt giảm điểm do các nhà đầu tư trông đợi chính sách tiền tệ nới lỏng hơn của FED. Theo đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 351,98 điểm, tương đương 1,49%, xuống còn 23,323.66, chỉ số S&P 500 mất 35,48 điểm, tương đương 1,39%, còn 2.510,68 điểm, và chỉ số Nasdaq Composite giảm 140,80 điểm, tương đương 2,08%, còn 6.643,11 điểm.
Giá vàng thế giới giảm trong phiên cùng ngày.
Khép phiên này tại New York (Mỹ), giá vàng giao kỳ hạn giảm 0,5% xuống 1.247,50 USD/ounce. Còn giá vàng giao ngay cũng giảm 0,5% xuống 1.243,25 USD/ounce vào rạng sáng 20/12 (theo giờ Việt Nam). Việc FED tăng lãi suất cũng giúp đồng USD phục hồi trước đồng Euro. Cuối ngày 19/12, tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và Euro ở mức 1 euro đổi được 1,1375 USD, tăng nhẹ so với mức1,1431 trước đó.
Nhiều nhà phân tích đã kỳ vọng về một kế hoạch tăng lãi suất "chủ hòa" cùng với đồn đoán rằng FED sẽ không siết chặt tiền tệ quá mức trong một thời gian khi mà thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và căng thẳng thương mại Mỹ -Trung vẫn chưa "hạ hồi phân giải". Tuy nhiên, các chuyên gia của Pantheon Macroeconomics cho rằng tuyên bố về việc nới lỏng tiền tệ trong năm 2019 của FED là chưa đủ để trấn an các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Chiến lược gia Ray Attrill (Rây Atril) thuộc Ngân hàng Quốc dân Australia cho hay tâm lý của các nhà đầu tư sau cuộc họp của FED là điều gây bất ngờ do FED để ngỏ khả năng tiếp tục duy trì chính sách điều chỉnh tăng lãi suất từng bước vào năm tới. Ông Jack Ablin, quản lý cấp cao của công ty đầu tư tư nhân Cresset Capital Management, nhận định Chủ tịch FED đang ở thế khó. Theo chuyên gia này, khi ông Jerome Powell hạ dự báo triển vọng lãi suất, điều đó đã dấy lên mối lo ngại rằng FED biết điều gì đó mà thị trường không, hoặc củng cố cho những nhận định bi quan khác. Nhưng nếu ông Powell giữ nguyên chính sách, nhà đầu tư lại lo lắng rằng FED sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ quá mạnh.
Sau khi kết thúc cuộc họp chính sách cuối cùng của năm nay, FED cho hay nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng tốt và thị trường việc làm tiếp tục cải thiện. Đây là lý do thể chế tài chính này đã nâng lãi suất thêm 0,25 % lên biên độ khoảng 2,25-2,5%, mức cao nhất kể từ năm 2008. Quyết định tăng lãi suất của FED nằm trong lộ trình tăng lãi suất theo từng bước. Tuy nhiên, thông báo của FED cũng cho biết sẽ có ít đợt tăng lãi suất hơn trong năm tới và tỏ dấu hiệu rằng chu kì siết chặt đang đến đến gần do tình trạng biến động của thị trường tài chính và tăng trưởng toàn cầu chậm. FED lưu ý "một vài" đợt tăng lãi suất theo lộ trình sẽ cần đến. Đây là sự thay đổi so với dự báo rằng FED đang chuẩn bị dừng tăng lãi suất.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích FED về vấn đề lãi suất, cho rằng các đợt nâng lãi suất liên tục trong thời gian qua của ngân hàng trung ương đã kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ.