Chuẩn hóa chất lượng và giá nước sạch sinh hoạt
Đời sống 06/06/2024 09:26
Trước đó, căn cứ vào Quy chuẩn kĩ thuật Quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch theo Thông tư 41/2018/TT-BYT, ngày 14/12/2018 và Thông tư 26/2021/TT-BYT, ngày 15/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế, tỉnh Thái Bình đã chủ động thẩm tra, lựa chọn các thông số kĩ thuật chất lượng nước sạch trong ngưỡng giới hạn cho phép, phù hợp với thực tế và nhu cầu sử dụng của địa phương, ngày 20/10/2023, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 18/2023/QĐ-UBND Quy chuẩn kĩ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Quy định bắt buộc các cơ sở sản xuất cung cấp nước sạch phải bảo đảm 8 thông số thuộc Nhóm A và 44 thông số thuộc Nhóm B theo Quy chuẩn kĩ thuật Quốc gia. Tần suất thử nghiệm đối với thông số kĩ thuật thuộc Nhóm A bảo đảm ít nhất 1 tháng 1 lần và 6 tháng 1 lần đối với các thông số kĩ thuật thuộc Nhóm B. Đối với những đơn vị xây dựng mới vận hành lần đầu hoặc nâng cấp, sửa chữa, có sự cố về môi trường,… bắt buộc phải tiến hành thử nghiệm toàn bộ 99 thông số theo quy định tại Điều 4QCVN/2018/BYT Quy chuẩn kĩ thuật Quốc gia.
Quyết định số 18/2023/QĐ-UBND và Quyết định 14/2024/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thái Bình. |
UBND tỉnh Thái Bình giao cho Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn triển khai, tổ chức thực hiện và có trách nhiệm kiến nghị với UBND tỉnh sửa đổi hoặc bổ sung Quy chuẩn kĩ thuật địa phương phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lí của Bộ Y tế.
Trung tâm kiểm soát bệnh tật có trách nhiệm thực hiện ngoại kiểm định kì và đột xuất chất lượng nước sạch của tất cả các đơn vị cấp nước, báo cáo kết quả ngoại kiểm theo quy định tại Thông tư số 41/2018/TT-BYT của Bộ Y tế. Phối hợp với Trung tâm Y tế huyện, thành phố thực hiện ngoại kiểm định kì và đột xuất, báo cáo bằng văn bản định kì 6 tháng, hằng năm về Sở Y tế, Cục Quản lí môi trường y tế theo quy định.
Đối với các đơn vị cấp nước có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định của Quy chuẩn này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nước sạch do đơn vị mình cung cấp. Lưu giữ và quản lí hồ sơ theo dõi về chất lượng nước sạch và công khai thông tin về chất lượng nước sạch để các cơ quan chức năng và khách hàng giám sát.
Dư luận xã hội và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về Quyết định ban hành Quy chuẩn kĩ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sinh hoạt của tỉnh. Tuy nhiên, trong khi 29 doanh nghiệp đầu tư mới là thành viên Hội Nước sạch tỉnh Thái Bình, bảo đảm cung cấp nước sạch cho 187 xã, phường, thị trấn đã tuân thủ nghiêm quy định, thì còn 19 cơ sở cung cấp nước sạch của Công ty Bitexco Nam Long cho 51 xã doanh nghiệp được thừa kế, tiếp thu, hưởng thụ đầu tư chương trình nước sạch nông thôn trước đây chưa bảo đảm và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người sử dụng, để lại những nhức nhối phản ánh trên báo chí, cần được chấn chỉnh và có biện pháp giải quyết dứt điểm. Ngoài ra, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, để ổn định nguồn nước lâu dài, kiến nghị UBND tỉnh sớm điều chỉnh quy hoạch dành quỹ đất xây dựng hệ thống dự trữ nước, phòng xâm nhập mặn và ô nhiễm do biến đổi khí hậu.
Đồng hành với việc tăng cường quản lí chất lượng nước sạch sinh hoạt trên địa bàn, ngày 15/3/2024, UBND tỉnh Thái Bình tiếp tục ban hành Quyết định 14/2024/QĐ-UBND về việc phê duyệt lộ trình điều chỉnh giá nước sạch tối đa 5 năm ( 2024-2028) để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho khách hàng và doanh nghiệp. Theo Quyết định, cụ thể giá bán lẻ nước sạch năm 2024 là 8.573đồng/m3. Năm 2025 là 8.760đồng/m3. Năm 2026 là 8.573đồng/m3. Năm 2027 là 9.132đồng/m3. Năm 2028 là 9.319đồng/m3.
Đây là các quyết sách kịp thời của địa phương nhằm bảo đảm ổn định bền vững nguồn cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân, một thành quả được thụ hưởng từ chương trình xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình.