Chùa Keo quần thể kiến trúc độc đáo và linh thiêng
Đời sống 23/10/2023 18:06
Tương truyền, dưới thời Vua Lý Thánh Tông, Chùa Keo được xây dựng bởi thiền sư Dương Không Lộ năm 1061. Khởi thủy, Chùa Keo được xây dựng tại làng Giao Thủy, có tên gọi là Nghiêm Quang Tự, trụ trì là sư tổ Thiền sư Nguyễn Minh Không, hiệu là Không Lộ. Năm 1167 mới đổi thành Thần Quang Tự. Vì làng Giao Thủy có tên nôm là Keo, nên ngôi chùa được dân chúng gọi là Chùa Keo và tồn tại đến ngày nay.
Chùa Keo là một trong số ít những ngôi chùa cổ ở Việt Nam còn lưu giữ được hầu như nguyên vẹn kiến trúc xưa. |
Sau gần 500 tĩnh tại, năm 1611, do sông Hồng biến đổi dòng chảy, chùa bị ngập lụt, một bộ phận dân cư di dời chùa về làng Hành Thiện được gọi là Keo Dưới ( Keo Hạ ), nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Một bộ phận dân cư dời sang tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ và cũng dựng chùa thờ phụng, gọi là chùa Keo Trên ( Keo Thượng ), nay thuộc xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
Chùa Keo Thượng ( nay gọi là Chùa Keo-Thái Bình) được khởi công xây dựng năm 1630 đến năm 1632 hoàn thành, theo phong cách kiến trúc thời Lê, với sự phát tâm công đức, vận động quyên góp của bà Lại Thị Ngọc Lễ, vốn thuộc dòng quyền quý. Chùa do Cường Dũng hầu Nguyễn Văn Trụ vẽ kiểu, phỏng theo kiến trúc của Chùa Keo Hạ. Sau khi xây dựng, Chùa được trùng tu nhiều lần. Đặc biệt, với đường lối chấn hưng nền văn hóa dân tộc của Đảng ta, nhiều năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Bình đã kế thừa, tiếp tục đầu tư, trùng tu, mở rộng quy hoạch, hoàn thiện đường giao thông, tạo nên cảnh quan của chùa bề thế, khang trang, phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại.
Hệ thống kết cấu cột, kèo bằng gỗ lim chắc chắn giữ cho công trình chùa Keo tồn tại hơn 4 thế kỉ |
Là ngôi chùa cổ nhất được xây dựng từ thời Vua Lê Trung Hưng năm 1632, theo lối kiến trúc “ Nội công ngoại quốc ”, đặc trưng của kiến trúc chùa Việt Nam ( có nghĩa là kiến trúc bên trong theo hình chữ Công, bên ngoài theo hình chữ Quốc). Toàn bộ khuôn viên chùa rộng hơn 58.000m², gồm 16 tòa kiến trúc, với 116 gian xây dựng. Trong khuôn viên Chùa có ba hồ lớn, gồm hồ giữa tam quan ngoại và tam quan nội. Hai hồ phía sau dãy hành lang Đông và Tây.
Từ trục đường đê đi xuống là tam quan ngoại. Men theo hồ sen hai bên tả, hữu là 2 cổng tò vò, giữa là tam quan nội. Qua tam quan là khu thờ Phật, gồm chùa ông Hộ, tòa thiên hương và điện Phật. Phía trong sau khu thờ Phật là khu thờ Thánh, thờ Thiền sư Không Lộ, vị đại sư thời nhà Lý. Cuối cùng là gác chuông 3 tầng nguy nga, bề thế. Hai dãy hành lang Đông và Tây nối từ chùa ông Hộ đến gác chuông là hàng chục gian để Phật tử sắp lễ và du khách nghỉ chân.
Chùa Keo Thái Bình được đánh giá là công trình có quy mô nhất trong các chùa cổ Việt Nam, với nhiều giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Tiêu biểu nhất là tòa gác chuông Chùa Keo, đây là một kiến trúc đẹp, cao 11m, có 3 tầng mái, kết cấu bằng các con sơn chồng lên nhau. Bộ khung gác chuông làm bằng gỗ, liên kết với nhau bằng mộng, nâng 12 mái ngói và 12 đao loan. Ở tầng một có treo một khánh đá cao 1,2m, tầng hai có quả chuông đồng lớn đúc năm 1686, cao 1,3m, đường kính 1m. Hai quả chuông nhỏ treo ở tầng 3 và tầng thượng cao 0,62m, đường kính 0,69m đều được đúc năm 1796.
Trong chùa còn lưu giữ những đồ thờ cúng, tương truyền là của Thiền sư Không Lộ, như: bộ tràng hạt bằng ngà, một bình vôi to và ba vỏ ốc vốn làm chén uống nước trong những năm tháng Thiền Sư tu hành.
Đặc biệt, tượng Thiền sư Không Lộ có ngàn năm tuổi được tạc bằng gỗ trầm hương, được bảo quản nghiêm ngặt trong cung cấm. Bên cạnh gác chuông còn hiện diện tảng đá mài và một giếng nước, thành giếng được xếp bằng 36 cối đá thủng, từng được dùng giã gạo nuôi thợ xây chùa khi xưa.
Lễ hội Chùa Keo được duy trì tổ chức hai lần hàng năm. Lần đầu vào ngày mùng 4 tháng Giêng âm lịch. Ngày hội chính được tổ chức từ ngày 10 đến rằm tháng 9 thường niên.
Tháng 4/1962, Chùa Keo được công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa Quốc gia. Tháng 9/2012 Chùa Keo được Bộ Văn hóa cấp Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt. Tháng 10/2017, chùa đón nhận Bằng ghi danh lễ hội Chùa Keo là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Với ý nghĩa và trọng trách lớn lao đó, ngoài việc duy tu, tôn tạo thường xuyên, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Vũ Thư tiếp tục duy trì các lễ hội hàng năm trang trọng và an toàn. Đặc biệt, lễ hội Chùa Keo năm 2023 được tổ chức trong 6 ngày, khai hội từ ngày 10 đến rằm tháng 9 âm lịch ( hội chính ) với các hoạt động tín ngưỡng linh thiêng, nghệ thuật dân gian giàu bản sắc dân tộc, với sự tham gia của hàng ngàn người. Như lễ khai chỉ, lễ rước Thánh, hát chèo, hát giao duyên, múa rối nước, v v...
Đáng chú ý tại lễ hội Chùa Keo năm nay, huyện Vũ Thư đồng tổ chức Hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP. Đó là việc làm đầy ý nghĩa nhằm giới thiệu, quảng bá các sản vật độc đáo của địa phương tới du khách thập phương.
Và cũng từ đây, lễ hội Chùa Keo được huyện Vũ Thư ấn định duy trì thường niên, hàng năm khai hội từ ngày 10 đến ngày rằm tháng 9 âm lịch. Đó cũng là dịp để du khách thập phương trong cả nước về chiêm bái vị Thiền sư Dương Không Lộ linh thiêng, ngưỡng vọng một quần thể kiến trúc cổ độc đáo, thưởng thức những sản vật đặc sản, đậm đà bản sắc quê lúa Thái Bình.
Trẩy hội Chùa Keo
Ngàn đời nguyên dáng Chùa Keo
Còn đây dấu vết đất nghèo thuở xưa
Em về vui hội thăm chùa
Chùa Keo tỏa bóng bốn mùa cau xanh.
Gió mang hương lúa gió lành
Mái chùa cong để bóng vành trăng cong
Bàn tay cấy lúa chăn tằm
Về đây mở hội ngày rằm cùng anh.
Cái duyên gặp gỡ đã đành
Thâm u cửa Phật hương lành thoảng say
Rõ là cảnh đấy người đây
Chùa Keo ơi! Nước non này lên duyên.
Chiếc thuyền vỏ trấu đạo thiền
Cối mòn để giếng cửu tuyền trăng soi
Tiếng chuông, tiếng khánh bồi hồi
Ngỡ nghe năm tháng tiếng người hồi âm.
Có sang Keo Thượng sang sông
Có về Keo Hạ xuôi dòng cùng anh
Đôi bờ mơn mởn dâu xanh
Dòng sông chở cả tình anh về chùa.
Yêu nhau ai nỡ bỏ bùa
Mà say nhau tự hội chùa làng Keo!