Chủ cơ sở Nhật Vi Ninh Thuận kêu cứu, do bị một số người ngăn cản xe chở nguyên liệu
Pháp luật - Bạn đọc 22/07/2022 10:19
Theo trình bày của bà Trần Thị Tường Vi: Cơ sở của bà sản xuất thức ăn gia súc và phân bón từ các loại phế phẩm thủy sản như: Xác mắm, đầu cá, vỏ ghẹ, vỏ tôm khô… hoạt động từ giữa năm 2015. Quá trình hoạt động không gây điều tiếng gì, cho đến ngày 7/6/2021, hộ ông Nguyễn Văn Chiến ra chặn xe không cho vào nhập hàng, đồng thời ngang nhiên tháo dỡ bạt phủ xe, bạt che phủ hàng trong cơ sở sản xuất của bà. Nguyên nhân dẫn đến hành vi của ông Chiến được bà Vi giải thích: Cơ sở sản xuất của bà nằm sát chân núi Ma Quýt. Trước đây bà vẫn để cổng mở cho người dân ra vào tự do, nhưng gần đây ông Chiến cùng hai con trai và ông Tây, ông Lợi vào khai thác đá trái phép trong khu vực sản xuất của bà Vi. Sau đó hai con trai của ông Chiến liên kết với một số người từ nơi khác đến nổ mìn, rải dây điện trên đất sản xuất của cơ sở Nhật Vi Ninh Thuận đến nơi khai thác đá.
Cơ sở sản xuất Nhật Vi Ninh Thuận nằm sát chân núi Ma Quý |
Thấy để như vậy ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và vi phạm pháp luật, nên bà Vi gửi đơn trình báo Công an và UBND xã Phước Dinh, nhưng không được giải quyết. Để ngăn chặn hoạt động khai thác đá trái phép, bà Vi đóng cổng cơ sở sản xuất, không cho ông Chiến, ông Tây, ông Lợi và những người khác mượn đường vào cơ sở sản xuất của bà để khai thác đá. Sau khi bà Vi đóng cổng cơ sở sản xuất, thì mấy ngày sau xảy ra tình trạng ông Chiến chặn xe liên tục cho đến nay. Bà Vi bức xúc: “Tất cả những vụ chặn xe đều do ông Chiến chỉ đạo, sau đó điện cho ông Lợi, ông Tây cùng một số người ở thôn Từ Thiện không có liên quan gì đến gây rối, làm mất an ninh, trật tự xã hội. Mặc dù mỗi lần bị chặn xe, tôi đều gửi đơn trình báo với UBND và Công an xã, Công an huyện, nhưng hầu như không được can thiệp kịp thời và giải quyết dứt điểm”.
Còn một tình huống khó hiểu nữa mà bà Vi cho biết: Cơ sở của bà nằm trên diện tích 4ha, gồm 3 thửa đất số 16, số 17, số 18 sát chân núi Ma Quýt, nhưng bỗng dưng có thửa số 17 được thông báo quy hoạch thành đất ở, mà người sử dụng đất là bà Vi không hề hay biết, không làm hồ sơ chuyển đổi. Do đó, bà Vi phải nhọc công làm thủ tục chuyển đổi lại mục đích sử dụng đất, kéo dài hơn 5 tháng, từ ngày 9/6/2021 đến ngày 10/11/2021. “Tưởng chừng giải quyết xong vấn đề đất đai, cơ sở sẽ thuận lợi đi vào hoạt động, nhưng hộ ông Chiến vẫn liên tục chặn xe của chúng tôi vào nhập hàng, khiến cơ sở sản xuất của tôi bị đình trệ, công nhân làm việc cầm chừng, thu nhập không bảo đảm như trước, đời sống của tôi và công nhân ngày càng khó khăn do hành động ngang ngược của ông Chiến” - bà Vi cay đắng cho hay.
Bà Tường Vi buộc phải cho đóng cổng, ngăn chặn người dân vào khai thác đá trái phép |
Xác minh thực tế cho thấy, cơ sở sản xuất của bà Vi cách khu dân cư thôn Từ Thiện ước đến gần 5km. Trên con đường dẫn vào xưởng sản xuất Nhật Vi Ninh Thuận, chỉ duy nhất có căn nhà ông Chiến cư ngụ. Thế nhưng theo phản ánh của bà Vi, thực tế hộ ông Chiến có nhà ở trong thôn Từ Thiện, nơi ông làm nhà cư ngụ hiện tại là đất nông nghiệp, ông Chiến ở đó để chăn nuôi, trồng trọt. Theo khảo sát thực tế cho thấy, vườn cây của gia đình ông Chiến còn cách khu sản xuất của cơ sở Nhật Vi Ninh Thuận cả cánh đồng, chắc chắn không dễ gì cơ sở sản xuất Nhật Vi Ninh Thuận gây ảnh hưởng môi trường đến vườn cây nhà ông Chiến.
Bà Vi khẳng định: “Ông Chiến làm như vậy nhằm gây áp lực cho chúng tôi, buộc chúng tôi rời bỏ vị trí sản xuất hiện tại, để ông ta và một số người khác được tự do vào núi khai thác đá trái phép. Tôi đã nhiều lần có đơn kiến nghị, nhưng không được chính quyền địa phương giải quyết. Ngược lại, chính quyền xã còn thành lập tổ kiểm tra, giám sát việc nhập hàng của chúng tôi, tạo điều kiện cho ông Chiến ngày càng ngang ngược”. Trong đơn, bà Vi khẳng định, việc ông Chiến và 25 hộ dân có đơn phản ánh cơ sở của bà gây ô nhiễm là hoàn toàn sai sự thật.
Tài liệu thu thập được cho thấy, ngày 14/2/2022, UBND xã Phước Dinh ban hành Quyết định số 15/QĐ-UBND, do ông Nguyễn Tấn Lộc, Chủ tịch UBND xã kí, về việc thành lập Tổ kiểm tra, giám sát việc nhập hàng xác mắm và việc thực hiện hoạt động sản xuất của cơ sở Nhật Vi Ninh Thuận, gồm các thành viên: ông Nguyễn Thái Cường, Phó Chủ tịch UBND xã (tổ trưởng); ông Huỳnh Ngọc Hổ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xã (tổ phó); ông Hà Văn Hướng, Phó Công an xã; ông Nguyễn Văn Bi, Trưởng thôn Từ Thiện; ông Nguyễn Văn Chiến và ông Đào Thanh Tây (người dân). Tổ được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc nhập nguyên liệu xác mắm của cơ sở Nhật Vi Ninh Thuận, về các thông tin như: Biển số xe, khối lượng xác mắm trên xe hàng, nguyên liệu đầu vào (xác mắm) trên xe hàng, việc khử khuẩn, khử mùi của cơ sở...
Việc khai thác đá trái phép hiện dấu vết vẫn còn |
Ông Nguyễn Tấn Lộc, Chủ tịch UBND xã Phước Dinh thừa nhận, ông là người kí ban hành Quyết định số 15/QĐ-UBND. Ông lí giải việc kí ban hành quyết định, nhằm thực hiện Công văn số 229/UBND-TCD ngày 20/1/2022 của UBND huyện Thuận Nam, đồng thời căn cứ Biên bản làm việc ngày 11/2/2022 của UBND xã Phước Dinh, về việc đối thoại giữa cơ sở Nhật Vi Ninh Thuận và một số hộ dân.
Tuy nhiên, theo Công văn số 229/UBND-TCD, UBND huyện Thuận Nam chỉ giao UBND xã Phước Dinh: “Khi tiếp nhận báo cáo (bằng văn bản hoặc điện thoại của cơ sở Nhật Vi Ninh Thuận) về việc nhập hàng xác mắm để sản xuất, UBND xã Phước Dinh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc nhập nguyên liệu… Sau khi kiểm tra xe chở hàng xác mắm bảo đảm các điều kiện, UBND xã mới được cho xe vào sản xuất…”. Không có nội dung phải thành lập Tổ kiểm tra, giám sát. Thế nhưng, UBND xã lại thành lập Tổ kiểm tra, giám sát, đưa cả những người dân là ông Chiến, ông Tây tham gia là không đúng với chỉ đạo của UBND huyện.
Khi được hỏi, sao Tổ kiểm tra, giám sát vì sao lại đưa ông Chiến, ông Tây tham gia? Ông Nguyễn Tấn Lộc giải thích, do người dân bầu hai ông này tham gia Tổ kiểm tra, giám sát. Giải thích như vậy của ông Lộc không thuyết phục, vì kiểm tra, giám sát là chức năng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không phải việc người dân tùy tiện tham gia được. Hơn nữa, ông Chiến sẵn có hiềm khích với bà Vi, lôi kéo cả ông Tây tham gia việc chặn xe, thì việc để hai ông này tham gia Tổ kiểm tra, giám sát liệu có khách quan?
Cơ sở Nhật Vi Ninh Thuận cũng đã thực hiện việc quan trắc môi trường. Kết quả, theo phân tích của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường, các thông số đều đạt quy chuẩn cho phép, đồng nghĩa với việc không gây ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, ngày 4/1/2022, Công an huyện Thuận Nam lại ban hành Quyết định số 1263/QĐ-XPHC, xử phạt cơ sở Nhật Vi Ninh Thuận số tiền 750 nghìn đồng, với lí do: “Không thực hiện một trong các biện pháp bảo vệ môi trường, trong kế hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận”.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, thiết nghĩ chính quyền huyện Thuận Nam, đặc biệt chính quyền xã Phước Dinh cần điều chỉnh cách làm sao cho vừa thuận tình, vừa đạt lí. Đặc biệt không nên để ông Chiến, ông Tây tham gia Tổ kiểm tra, giám sát.