Quảng Nam: Doanh nghiệp tự ý khoét núi khai thác đá, hút cát trái phép để thi công đường
Pháp luật - Bạn đọc 08/02/2020 08:05
Thi công ẩu, không đảm bảo tiêu chuẩn.
Theo Quyết định số 2790/QĐ-UBND ngày 17/9/2018 của UBND tỉnh Quảng Nam, dự án đường ô tô đến trung tâm xã Gari có chiều dài 8,34km, rộng 5m, tổng vốn 46 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án ĐTXD huyện Tây Giang làm chủ đầu tư; Liên danh Công ty TNHH Xây dựng Hòa Vang – Khuê Trung (Cty Hòa Vang – Khuê Trung) làm nhà thầu (gồm Công ty TNHH Xây dựng Hòa Vang và Công ty CP Khuê Trung).
Công ty TNHH xây dựng Hòa Vang khai thác đất, đá trái phép để thi công đường. |
Theo Hợp đồng thi công xây dựng số 01/HĐ-XD, Cty Hòa Vang – Khuê Trung phải thi công xây dựng công trình nêu trên đúng theo bản vẽ thiết kế (kể cả phần sửa đổi được chủ đầu tư chấp thuận), chỉ dẫn kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu và các thỏa thuận khác…Tại Điều 6 của Hợp đồng, nhà thầu có trách nhiệm cung cấp cho chủ đầu tư các kết quả thử nghiệm vật liệu, sản phẩm của công việc hoàn thành. Vật tư, thiết bị do nhà thầu cung cấp phải có nguồn gốc xuất xứ. Trong quá trình thi công, nhà thầu phải chịu sự kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư… Thế nhưng, từ khi thi công đến nay, công trình gần như vắng bóng kiểm tra, giám sát của chủ đầu tư.
Mất gần 6 tiếng đồng hồ bằng ô tô và xe máy, nhóm phóng viên mới vào được đến chân công trình. Mặc dù là một công trình có số vốn lớn nhưng để tiết kiệm chi phí, Công ty TNHH xây dựng Hòa Vang đã lợi dụng địa bàn vùng sâu, vùng xa “tranh thủ” khoét núi khai thác đá và cát dưới suối trái phép để làm vật liệu xây dựng.
Cát khai thác trái phép để thi công đường |
Tại điểm trộn bê tông để phục vụ làm đường, tốp công nhân đang cho vật liệu vào bể trộn được đào dưới đất. Họ cho xi măng vào hố này và dùng máy múc đưa cát, đá còn lẫn tạp chất để nhào trộn. Không có bất cứ một máy móc nào ngoài chiếc xe múc cũ kỹ. Từ đây, bê tông được đưa lên xe tải (cải tiến thùng) chở đi đến các điểm để làm đường.
Vật liệu dùng để trộn bê tông cũng không đạt quy chuẩn. Theo Công ty TNHH xây dựng Hòa Vang, đá trộn bê tông là đá 1x2cm nhưng ở đây đá có đường kính to bằng cả bàn tay. Mặc dù cam kết sử dụng vật liệu trộn bê tông có nguồn gốc rõ ràng thế nhưng đơn vị này đã khai thác đá trái phép để phục vụ công trình.
Một công nhân ở đây cho biết: “Các vật liệu đều tận thu ở đây. Đá thì khoét núi lấy và nghiền tại chỗ. Cát thì mua của đồng bào hút dưới khe suối. Một số lượng ít lấy từ trung tâm huyện Tây Giang chở lên”.
Đáng nói, khi chúng tôi có mặt tại công trình đang thi công này nhưng không hề thấy bóng dáng của đơn vị giám sát thi công. Chủ đầu tư dường như “phó thác” chất lượng công trình cho công nhân. Khi được hỏi về quy trình trộn bê tông cũng như mác bê tông thì nhóm công nhân cho biết họ chỉ ước chừng thôi!
Chính quyền không biết ?
Dự án là công trình giao thông điểm của huyện Tây Giang, có ý nghĩa quan trọng, kết nối xã Ch’om và Gari với các thôn, làng vùng sâu vùng xa, đảm bảo giao thông thông suốt cả hai mùa mưa nắng. Thế nhưng, đa số các ban ngành của huyện này đều không lưu tâm về mặt tiến độ cũng như chất lượng.
Ông Trần Minh Tạo, Giám đốc BQL dự án huyện Tây Giang nói việc giám sát chất lượng đã có đơn vị giám sát độc lập, chủ đầu tư không thể theo từng xe cát, xe đá để giám sát nguyên vật liệu làm đường |
Khi chúng tôi đề cập vấn đề chất lượng con đường thi công ẩu đến huyện Tây Giang, ông Trần Minh Tạo, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện này cho biết, đã nắm được sự việc: “Chúng tôi có thuê đơn vị giám sát độc lập và anh em có mặt ở đó thường xuyên”. Khi chúng tôi cho xem các hình ảnh vật liệu đá, cát không đúng quy chuẩn và tận thu tại chỗ thì ông này nói: “Cái này do đơn vị thi công. Khi họ nhận thầu chúng tôi chỉ kiểm tra trên hóa đơn chứng từ, chứ làm sao tôi đi theo từng xe đá, xe cát để giám sát được. Về mỏ đá trái phép thì không phải lĩnh vực của tôi”. Việc trả lời của đơn vị chủ đầu tư rất thiếu trách nhiệm và thiếu năng lực.
Tiếp tục gõ cửa Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Giang Tây, ông Hồ Đắc Vinh, Phó trưởng Phòng cho hay: “Trên địa bàn không hề cấp phép cho mỏ đá nào hoạt động. Tôi mới chuyển về nên cũng không nắm rõ”. Mặc dù mỏ đá đã hoạt động từ tháng 4/2019 nhưng ông Vinh trả lời: “Có nghe loáng thoáng nhưng chưa cho kiểm tra.”
Để rộng đường dư luận phóng viên liên hệ với Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang để làm rõ những "khuất tất" của dự án nhưng các ông đều trả lời bận họp và hẹn sẽ trả lời vụ việc này sau.
Một công trình hàng chục tỷ đồng mà sử dụng nguyên vật liệu có nguồn gốc không rõ ràng, không được thử nghiệm, thi công cẩu thả, không có giám sát công trình, tất cả các khâu trong quá trình thi công đều phó mặt cho công nhân thì chất lượng sẽ như thế nào?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!