Chiến sĩ thi đua số 1 trong Chiến dịch Điện Biên
Đời sống 01/05/2024 08:28
Nhà báo Đỗ Kha giới thiệu, ông Nguyễn Tiến Thụ là em rể và là người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điên Biên Phủ. Với cá nhân, tôi mang ơn ông Thụ, nhờ ông mà tôi được về Tỉnh đoàn công tác, rồi được đi học Đại học Kinh tế - Kế hoạch.
Sau khi tốt nghiệp lớp 10, với điểm ưu, thừa điểm đi du học nước ngoài. Hồi ấy chỉ cần học giỏi, lí lịch tốt là được vào đại học. Nhưng vì nhiều lí do, tôi phải rẽ ngang, mà rẽ ngang tôi cũng không thuận lợi. May có anh bạn đang làm ở Thị đoàn Cẩm Phả có giấy gọi đi đại học, anh liền giới thiệu tôi vào Thị đoàn làm thay anh. Công việc là đưa công văn, chuẩn bị hội trường cho phòng họp và các phòng làm việc của cán bộ Thị đoàn; buổi chiều đi đón con học mẫu giáo của cán bộ Thị đoàn.
Một lần, ông Nguyễn Tiến Thụ về Thị đoàn Cẩm Phả công tác, biết tôi học xong lớp 10. Lúc tiễn anh ra xe, anh bảo tôi: “Thanh niên có trình độ văn hoá lớp 10, cứ làm anh điếu đóm phí lắm. Cậu về Tỉnh đoàn nhé”. Và mấy tháng sau tôi mới có quyết định về Tỉnh đoàn làm việc. Ở đây, Tỉnh đoàn mà trực tiếp là ông Thụ động viên tôi ôn bài, để dự thi đại học. Nhờ chăm chỉ ôn luyện, năm ấy tôi thi đỗ 3 trường, toàn điểm cao nhưng khi xin giấy nhập học lại gặp khó khăn. Ông Thụ lại một lần nữa đấu tranh để tôi được đi học. Khi tôi tốt nghiệp đại học thì ông đã chuyển công tác về Hà Nội. Từ đó cho đến khi được nhà báo Đỗ Kha “chọn mặt gửi vàng”, hơn 40 năm, tôi về Hà Nội gặp ông Nguyễn Tiến Thụ, thủ trưởng cũ, ân nhân khả kính. Nhà báo Đỗ Kha dặn tôi, khi nào tôi đi thì bảo để ông gọi điện cho ông Thụ trước.
Theo địa chỉ và số điện thoại do nhà báo Đỗ Kha cung cấp, một sáng tháng 5/2013, tôi lên Hà Nội. Theo địa chỉ tôi tìm đến nhà ông ở đường Âu Cơ. Vì được hẹn trước, ông ra mở cổng. Ở tuổi 80, tưởng ông yếu, nhưng giọng ông vẫn trong và vang:
- Chú em đấy à? Anh mong từ sáng! Bác Đỗ Kha bảo hôm nay chú em lên anh. Nói rồi ông ân cần dẫn tôi vào nhà, uống xong cốc nước Atiso mát lạnh, anh bảo tôi lên phòng anh ở lầu ba, chuyện trò cho yên tĩnh.
- Bác Đỗ Kha bảo cứ gặp anh sẽ có nhiều cái để viết. Hóa ra anh là nhân chứng cực kì sáng giá của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Là thanh niên xung phong (TNXP) lứa đầu tiên, là Chiến sĩ Thi đua số 1 của Chiến dịch lịch sử ấy. Ở với anh chục năm mà có thấy ai nói anh là Chiến sĩ Thi đua số 1 Chiến dịch Điện Biên Phủ đâu. Đồng thời để cảm ơn anh, nếu không có anh nâng đỡ chắc em không được như bây giờ và cũng để nhìn tận mắt, sờ tận tay thủ trưởng cũ sau gần 50 năm thế nào. Anh vẫn khỏe, nhanh nhẹn, minh mẫn, em mừng. Anh lên Hà Nội từ lâu, việc xin nhà, xin đất dễ ợt sao lại tậu nhà tận "xứ Chèm" thế này?
Ông cười rồi nói nhỏ nhẹ:
- Tớ có nhà ở Hàng Chiếu, nhưng ồn ào, xô bồ quá tớ đổi lên đây cho yên tĩnh. Cậu là một trong số ít người nói, nhờ có tớ mà trưởng thành. Tớ cảm ơn cậu. Người nói trước cậu là TS Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Dũng cũng nói không có tớ thì Dũng cùng lắm cũng chỉ là một anh giáo viên trường làng. Cuộc đời của mỗi con người đều cần có một cú hích- Thượng đế cũng thế thôi. Vấn đề là cú hích ấy hòn đá sẽ lăn đến đâu, lăn thế nào. Cậu ở văn phòng Tỉnh đoàn Quảng Ninh không nghe ai nói tớ là TNXP thời kì Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng đúng thôi, tớ không nói với ai bao giờ. Ông Vũ Cẩm, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn trước tớ cũng trách tớ như cậu. Tớ năm nay ngót 80 rồi, khỏe và vui vẻ được như thế này có lẽ do tớ không bon chen, không đố kị, không đòi hỏi gì nhiều. Các cháu Cường, Thịnh, Thủy, Mạnh đều thành đạt, với mình thế là phúc lộc rồi. Hôm nay Hà Nội nóng 38 độ, anh em mình ra hồ sen Nhật Tân cho mát.
Ông mượn chiếc ghế của quán, ngồi dưới gốc cây bằng lăng, mái tóc nghệ sĩ bạc trắng như một ông tiên, mắt đăm chiêu nhìn ra mặt hồ phẳng lẳng, xa xa bên kia hồ là những lô biệt thự nguy nga. Hôm đó, gần 60 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ đi qua, bên người thủ trưởng già tôi mới biết về những chiến tích của ông. Quê ông ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ông là thứ 2 trong gia đình có 4 anh chị em, đều là đảng viên. Lên 8 tuổi, ông mồ côi bố, lên 10 tuổi mồ côi cả mẹ, 4 anh em nương tựa vào họ hàng, chú bác, hàng xóm, láng giềng. 14 tuổi, ông thoát li gia đình và tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1951, Nguyễn Tiến Thụ ra nhập lực lượng TNXP và liên tục từ chiến dịch Thượng Lào. Chiến dịch nào kết thúc ông cũng được bầu là Chiến sĩ Thi đua. Ông được kết nạp Đảng ở tuổi 19. Năm nay, kỉ niệm 70 năm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông cũng hơn 70 năm tuổi Đảng. Sau khi được kết nạp Đảng, ông được đề bạt làm Đội phó đội phá bom nổ chậm Cò Nòi và ngầm Hót Lót. Đây là ngã 3 giao nhau giữa đường 13 từ Yên Bái xuống và đường 41 từ Thanh Hóa sang, bom các loại của giặc vãi dày đặc suốt ngày đêm, trong đó nguy hiểm nhất là bom nổ chậm và bom bướm. Vì tính chất quyết định của chiến dịch, nhiệm vụ của lực lượng TNXP là phải phá cho hết các loại bom, không để cho đường bị chia cắt. Khổ nỗi, lực lượng TNXP hầu hết là lính mới, chưa có kinh nghiệm phá bom, Nguyễn Tiến Thụ là người duy nhất có chút ít kinh nghiệm từ chiến dịch Thượng Lào. Ông phải vừa hướng dẫn, vừa đảm nhiệm những trường hợp nguy hiểm và cấp bách nhất. Ông đã trực tiếp phá 10 quả bom nổ chậm có sức công phá mạnh loại từ 200kg đến 1.000kg, 4 lần bị bom vùi, có lần tưởng đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường Điện Biên. Đó là ngày 29/4/1954, chỉ còn gần 10 ngày nữa thì chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng; vào khoảng 3 giờ chiều, đài quan sát báo còn một quả bom nổ chậm chui dưới ngầm chưa nổ. Nếu để muộn, đêm xuống phá sẽ khó khăn, để sáng hôm sau thì xe không chở hàng ra mặt trận được, Nguyễn Tiến Thụ quyết định cử 2 người ở trên cảnh giới, còn ông và 5 người nữa xuống ngầm tìm kiếm quả bom.
Khi tìm được quả bom 500kg, ông quyết định một mình ông phá, có thể coi đó là lần đồng đội truy điệu sống cho ông. Nguyễn Tiến Thụ một mình chui xuống độ sâu phá bom, sự hi sinh là rất cao. Do tiết kiệm dây cháy chậm nên khi châm dây, ông chỉ kịp chạy được khoảng 50m thì bom nổ. Ông bị đất vùi 3-4m, đồng đội moi được lên thì ông đã như một cái xác. Vậy mà sáng hôm sau ông lại cùng đồng đội ra các cung đường.
Những trọng điểm không thể vắng mặt Nguyễn Tiến Thụ. Một lần khác, đó là trường hợp ông phải quyết tâm tìm bằng được nguyên lí cấu tạo của bom bướm. Đây là loại bom sát thương cao, chưa tìm được cách tháo an toàn. Một số đồng đội, trong đó có cả bạn cùng quê đã phải hi sinh rất thương tâm. Với vai trò là chỉ huy, là một đảng viên trẻ, ông tình nguyện lao vào hiểm nguy, chấp nhận sự hi sinh. Lần ấy đồng đội cũng làm lễ truy điệu sống cho ông. Ông bảo đồng đội đào một hố sâu khoảng 2 mét, ông chui dưới hố, chỉ có hai tay giơ lên khỏi miệng hố thao tác cách tháo bom. Với lí lẽ rất anh hùng, vì bom bướm sát thương theo mặt phẳng ngang, nếu không may bị nổ, chỉ mất hai tay, rất có thể không chết. Và ông Nguyễn Tiến Thụ đã chiến thắng, nguyên lí khống chế gây nổ của bom bướm là tháo ngược kim đồng hồ. Việc thành công khống chế bom bướm gây nổ khiến cho quân giặc rất tức tối và lo lắng, vì kĩ thuật của loại bom nguy hiểm này bị quân ta khám phá và ngăn chặn.
Thành công trong việc phá bom nổ chậm, bom bướm, Nguyễn Tiến Thụ được mệnh danh là "Vua phá bom nổ chậm", là "TNXP anh dũng, quả cảm”. Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong hơn 2.600 TNXP trong cả nước, chọn ra 100 người tiêu biểu; trong 100 lại chọn ra 20 người tiêu biểu nhất; và ông là Chiến sĩ Thi đua số 1 của lực lượng TNXP phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Kỉ niệm 60 năm giải phóng Điện Biên ông vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Giúp việc cho ông gần 10 năm ở cơ quan Tỉnh đoàn Quảng Ninh và được ông nâng đỡ nhưng cho đến ngày gặp ông ở Hà Nội, khi mà tôi và ông đều đã lên lão, tôi mới chỉ biết đôi nét về thời ông làm ở Tỉnh đoàn Quảng Ninh. Nói về giai đoạn "Một thời sôi nổi và ước mơ" ông hào hứng như sống lại cái thời trai trẻ ấy. Năm 1955, ông được điều về Ban Tổ chức Trung ương đoàn. Năm 1957, phong trào về cơ sở, anh thanh niên Nguyễn Tiến Thụ hăng hái tình nguyện về Khu mỏ Hồng Quảng, tham gia Ban thường vụ Khu Đoàn Hồng Quảng, rồi Phó Bí thư, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ninh và ông làm rể đất Mỏ.
Với cương vị là Phó Bí thư Thường trực, rồi Bí thư Tỉnh đoàn, ông đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển tổ chức đoàn Quảng Ninh. Vào những năm cuối thời kì bao cấp, ông được Đảng điều sang Liên Xô làm Trưởng ban Cán sự Đoàn, Bí thư thứ Nhất Đại sứ quán. Năm 1987, ông được Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng điều về làm Ủy viên Thường trực; ủy viên Thư kí, Ủy viên Đảng Đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; năm 1995, nghỉ hưu. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý, trong đó có danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.