Câu trả lời bỏ ngỏ!
Trong mắt người già 21/07/2020 09:00
Điều kì lạ là gần như 100% học sinh được nhận giấy khen chỉ trơ trọi một em ngồi ngượng nghịu giữa một rừng thành tích. Mặc dù nguồn gốc của bức ảnh chưa được xác minh nhưng câu chuyện như thế này không phải lần đầu xảy ra mà chỉ là “giọt nước tràn li” trước thực trạng giấy khen đang ngày càng “trượt giá”.
Khoan bàn đến chất lượng học tập, mà chỉ nói về tính nhân văn. Tôi băn khoăn tự hỏi, khi người giáo viên chụp lại tấm hình này và đưa lên mạng xã hội, họ có thấy mình bất nhẫn với em học sinh đang quay mặt đi kia hay không? Có khiến cho em học sinh đó cũng như phụ huynh của em cảm thấy bị tổn thương, bị chế giễu hay không? Thử đặt địa vị mình vào của em, của cha mẹ em, liệu “sống mũi có cay”?.
Chỉ một tấm hình nhưng lại gieo vào lòng con người nhiều ám ảnh, tấm hình không lời mà như nói lên được nhiều điều nhức nhối hiện nay.
Bệnh thành tích ăn sâu vào lễ sơ kết học kì. (Ảnh minh họa: DAD/Vietnamnet.vn) |
Đến khi nào thực trạng chạy theo thành tích mới được kiểm soát và việc học tập cũng như đánh giá lực học của học sinh thiết thực hơn, những chiếc giấy khen được trở về với giá trị thực sự của chúng.
Bệnh thành tích có lẽ đã trở thành một vấn nạn. Vấn nạn này có thể đã trở thành thói quen, là điều bình thường và hiển nhiên… Thế nên cuối mỗi đợt tổng kết năm học mới có việc giáo viên chụp hình, post lên mạng xã hội một cách vô cảm, mà không cần xét xem bức hình đó có thực sự đẹp và nhân văn hay không. Và càng đáng suy ngẫm hơn, một nền giáo dục đang lấy học sinh - con người là trung tâm hay lấy thành tích làm mục tiêu của sự phát triển?
Việc đổi mới đánh giá học sinh ở các bậc học, trong đó có bậc tiểu học đã được ngành Giáo dục thực hiện trong nhiều năm qua. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đổi mới giáo dục nhưng nửa vời đã gây ra nhiều hệ lụy. Giấy khen rõ ràng đã là vật lỗi thời của giáo dục tiểu học, sau khi Thông tư 22 được áp dụng nhưng lại chưa được loại bỏ hoàn toàn. Việc khích lệ, khen thưởng có thể được tiến hành bằng nhiều cách chứ không nhất thiết phải phát giấy khen mới là khen.
Trước đây, một lớp học hay cả khối học chỉ một số ít học sinh được nhận giấy khen, được tuyên dương. Còn bây giờ, kết thúc năm học gần như em nào cũng được nhận giấy khen, dễ dẫn đến việc "cào bằng" năng lực cũng như thành tích của học sinh. Chính điều này gây hiệu ứng ngược trong tâm lí, giấy khen không còn đáng quý trọng và không khiến cho các em nỗ lực phấn đấu để đạt được.
Giáo dục trọng giấy khen, bằng cấp, sẽ tạo ra những cỗ máy, những kết quả giống nhau; kìm hãm sự sáng tạo, phát triển cá nhân. Thực tế xã hội đã cho thấy, việc học đại học hay có bằng cấp cao không còn là quá khó, sinh viên ra trường đa số đạt bằng giỏi, bằng khá, nhưng tỉ lệ thất nghiệp vẫn cao do thiếu kĩ năng thực tiễn. Trong khi vì sao không ít người bằng cấp chỉ tầm tầm, thậm chí chưa tốt nghiệp đại học lại rất thành công? Câu trả lời chắc chắn còn bỏ ngỏ!