Cần ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng sản xuất hàng xuất khẩu
Đời sống 08/08/2021 15:06
Những khó khăn chưa từng có
Việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg tại các tỉnh ĐBSCL đang vào giai đoạn cao điểm thu mua lúa Hè Thu, đã ảnh hưởng rất lớn tới việc thu mua của thương lái. Những khó khăn chưa từng có tiền lệ xảy ra từ khâu thu hoạch, chế biến cho tới lưu thông khiến các DN gặp rất nhiều khó khăn, lúng túng trong việc đối phó.
Tại nhiều tỉnh có quy định cấm thuyền ghe qua lại, nên tại nhiều khu vực đã kí kết bao tiêu các công ty thu mua lúa buộc phải thuê lò sấy và kho chứa ngay tại nơi thu hoạch. Việc này làm phát sinh thêm chi phí khoảng 200 - 300 đồng/kg lúa so với việc DN tự đi thu hoạch, phơi khô và đưa về kho của DN. Do đó, tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Công ty TNHH Vrice kí kết bao tiêu 250ha nhưng mới chỉ thu hoạch được khoảng 135ha do thiếu nhân công. Với những lao động là NCT, trước đây thường tham gia vào nhiều công đoạn sản xuất, chế biến, lưu thông… nhưng nay do là đối tượng thường có bệnh nền, sức đề kháng yếu, dễ bị lây nhiễm nên khó có thể tham gia thu hoạch, vận chuyển lúa gạo trong cộng đồng.
Theo yêu cầu của địa phương, Công ty Vrice đã triển khai phương án “3 tại chỗ”, song chỉ có 15 người, bằng 1/4 số nhân công chấp nhận ở lại. Một số người do hoàn cảnh gia đình có con nhỏ, người cao tuổi (NCT) cần chăm sóc, nhưng có nhiều người lo sợ dịch bệnh nên không chịu làm. Thêm vào đó, chi phí thuê ghe chở lúa tăng mạnh, có nơi tăng gấp đôi, trong khi diện tích thu mua nằm rải rác ở nhiều tỉnh khác nhau như tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và TP Cần Thơ… khiến cho việc thu mua lúa gặp rất nhiều khó khăn.
Thiếu công nhân đóng hàng gạo xuất khẩu |
Còn các DN xuất khẩu trái cây lại vấp phải khó khăn với quy định hạn chế ra đường sau 18 giờ. Thông thường việc thu hoạch trái cây bắt đầu từ 4 giờ sáng để tới 6 giờ 30 phút đưa trái cây về kho sơ chế trước khi đóng hàng. Nhưng hiện tại 6 giờ đội ngũ thu hoạch mới được ra khỏi nhà, đi qua nhiều chốt kiểm soát để tới trang trại thu hái, khi về thì đã gần trưa. Hiện công suất của nhiều công ty xuất khẩu trái cây chỉ đạt 20 - 30%, nên lượng hàng trong ngày không đủ cho 1 lô hàng, phải đợi sang hôm sau, gây ảnh hưởng tới chất lượng. Được biết, trước đây Công ty Vina T&T mỗi ngày xử lí và xuất khẩu 1 container trái cây, nhưng nay phải dồn nhiều ngày mới đủ 1 container, làm chi phí phát sinh rất nhiều.
Ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng sản xuất hàng xuất khẩu
Việc thu mua đã khó, xuất khẩu lại càng khó khăn hơn. Do tình trạng quá tải, các cảng ngừng tiếp nhận đóng hàng tại cảng nên gần đây nhiều công ty không triển khai được đơn hàng xuất khẩu. Bởi lẽ, phương án đóng hàng tại kho gặp rất nhiều khó khăn trong việc di chuyển xe container từ TP Hồ Chí Minh về các kho của công ty.
Theo ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, việc xuất khẩu sắp tới sẽ sụt giảm do công ty không có đủ người làm hàng. Cụ thể, trong phương án “3 tại chỗ” thực hiện tại nhà máy ở Cần Thơ chỉ có 80 công nhân ở lại. Trong khi đó, theo hợp đồng đã kí với đối tác Hàn Quốc, công ty phải giao 11 nghìn tấn gạo trong tháng 9 tới. Chỉ với 80 người, không thể đóng được khối lượng gạo lớn như vậy. Công ty Trung An phải gửi văn bản cho đối tác Hàn Quốc xin hoãn thời gian giao hàng tới khi hết giãn cách.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong điều kiện áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam, sản xuất và xuất khẩu thủy sản sụt giảm đáng kể nhất là từ nửa cuối tháng 7. Cụ thể, sau khi tăng 16% vào nửa đầu tháng, xuất khẩu thủy sản nửa cuối tháng 7/2021 bị sụt khoảng 15 - 20% so với nửa đầu tháng, khiến cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả tháng giảm khoảng 4% so với cùng kì năm ngoái với 763 triệu USD.
Tình hình sản xuất, xuất khẩu thủy sản sẽ còn bị tác động lớn bởi đại dịch, vì hiện nay chỉ có 30% DN thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam bảo đảm được điều kiện “3 tại chỗ”. Với những nhà máy thực hiện được, cũng chỉ huy động 30 - 50% số lượng lao động, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương. Công suất sản xuất trung bình giảm chỉ còn 40 - 50% so với trước đây nên công suất chung của cả vùng chỉ còn 30 - 40%. Nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến, xuất khẩu cũng chỉ đạt khoảng 40 - 50% so với nguồn nguyên liệu hiện có và dự tính sẽ thiếu hụt từ 20 - 30% trong những tháng cuối năm, trong khi dịch vụ logistics tăng mạnh...
Với thực tế khó khăn hiện nay, VASEP cho rằng, xuất khẩu thủy sản nửa cuối năm chắc chắn sẽ “tuột dốc” nếu không triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ cần thiết cho việc phục hồi sản xuất, xuất khẩu và thúc đẩy sinh kế cho công nhân, nông, ngư dân trong bối cảnh sống chung với dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, việc cần triển khai sớm là ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động trong nhà máy chế biến thủy sản bảo đảm tiêu chí an toàn, tiếp đó là sự hỗ trợ cho DN và người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Ngoài giải pháp vaccine, sự tiếp tục sản xuất của các doanh nghiệp còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu và lưu thông hàng hóa từ vùng nuôi trồng đến các nhà máy chế biến và từ các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi đến các trang trại. Công đoạn này hiện có rất nhiều NCT ở khu vực nông thôn tham gia, nên việc hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách và tài chính để họ yên tâm sản xuất trong điều kiện dịch bệnh cũng cần hết sức lưu tâm để tránh sự đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu. Đặc biệt, để bảo đảm lực lượng lao động áp dụng được “3 tại chỗ” thì họ phải có hậu phương hỗ trợ, đó là những NCT trông nom con cháu họ mới chuyên tâm về thời gian và năng suất lao động tại DN.