Cẩn trọng khi dùng thuốc điều trị Covid-19 trên mạng
Pháp luật - Bạn đọc 02/09/2021 09:38
Sau khi cơ quan chức năng phát hiện vụ việc liên quan đến thuốc tân dược không rõ nguồn gốc được quảng cáo là loại thuốc làm ức chế virus, tăng cường đề kháng, giảm lây nhiễm và điều trị Covid-19.
Ngày 1/9/2021, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) ra Văn bản số 10228/QLD-PCTTr đề nghị các đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thuốc dùng trong phòng chống Covid-19.
Công văn nêu rõ, thời gian qua, các địa phương, đơn vị trong toàn ngành đã tích cực chủ động và phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các đơn vị liên quan trên khai quyết liệt các biện pháp chống dịch Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế đã góp phần làm tốt công tác phòng, chống dịch, nhất là việc thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Các Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc đã tích cực tham gia và có nhiều đóng góp tích cực, hỗ trợ cho cộng đồng cung cấp kịp thời thuốc phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế và phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng vẫn còn xảy ra hiện tượng một số tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19 không rõ nguồn gốc, thuốc giả; thông tin, quảng cáo thuốc không đúng quy định, quảng cáo quá công dụng của thuốc đặc biệt trên các trang thông tin điện tử và các nền tảng mạng xã hội, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp để tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.
Trước đó, chiều 27/8/2021 Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 15 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) thu giữ một lô thuốc tân dược không rõ nguồn gốc của bà N.H.P. (45 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội). Lô hàng gồm 50 hộp thuốc hiệu ARBIDOL 10 viên/hộp và 3 hộp thuốc AREPLIVIR 40 viên/hộp. Số thuốc này bà P. không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Tại trụ sở điều tra, bà P. khai thu mua số thuốc trên qua mạng xã hội với giá 180.000 đồng/hộp ARBIDOL và 2,9 triệu đồng/hộp AREPLIVIR. Theo bà P. hai loại thuốc này sẽ làm ức chế virus, tăng cường đề kháng, giảm lây nhiễm và điều trị Covid-19, được sử dụng nhiều tại Nga.
Tương tự tại TP Hồ Chí Minh, mới đây Công an Thành phố đã ra quyết định khởi tố 3 bị can liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả hỗ trợ điều trị Covid-19. Cụ thể, cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Đức Thuận (46 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu), Dương Quốc Chính (61 tuổi, ngụ quận Gò vấp) và Nguyễn Thị Kim Tuyến (50 tuổi, ngụ quận 11) về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh. Trước đó ngày 20/8/2021, trinh sát phát hiện Nguyễn Đức Thuận chở một thùng carton nghi vấn nên kiểm tra và phát hiện 150 hộp thuốc. Người đàn ông thừa nhận số thuốc này là giả.
Xử lý nghiêm vi phạm sản xuất, kinh doanh thuốc điều trị Covid-19 giả
Trước vụ việc trên, nhằm tiếp tục góp phần làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung, đặc biệt là thực hiện tốt công tác quản lý, sử dụng thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19.
Không mua, sử dụng thuốc phòng ngừa, điều trị Covid-19 trên mạng xã hội:
Cơ quan chức năng cảnh báo người dân khi thời gian gần đây, nhiều thành phần lợi dụng tình hình dịch bệnh để quảng cáo, kinh doanh thuốc phòng ngừa, điều trị Covid-19 qua mạng xã hội. Tuy nhiên, các loại thuốc chủ yếu là hàng trôi nổi, xách tay, chưa được kiểm định chất lượng và chưa được phép lưu hành tại Việt Nam. |
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ban hành văn bản số: 10228/QLD-PCTTr về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuát, kinh doanh thuốc dùng trong phòng chống Covid-19.
Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng cáo các thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19.
Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thông tin, quảng cáo thuốc không đúng quy định, quảng cáo quá công dụng của thuốc; tăng giá thuốc bất bất hợp lý. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kịp thời lập hồ sơ chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định; chỉ đạo hệ thống các cơ quan giám sát chất lượng thuốc trên địa bàn tăng cường lấy mẫu kiểm tra chất lượng đối với các thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19. Trong quá trình kiểm tra, lấy mẫu kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về sản xuất, kinh doanh thuốc, đặc biệt là các thuốc dùng trong phòng, chống Covid-19.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc dùng trong phòng, chống dịch Covid-19. Cục Quản lý dược đề nghị, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh thuốc; tuân thủ đầy đủ các quy định về thông tin, quảng cáo thuốc; thực hiện bình ổn giả các thuốc dùng trong phòng, chống dịch Covid-19, không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý nhằm trục lợi.