Bolivia “Ngọn núi lửa chính trị” liên tục phun trào
Quốc tế 03/07/2024 10:54
Dinh Tổng thống trước đây của Bolivia - nơi vừa bị một nhóm binh sĩ nổi dậy tấn công dữ dội, dẫn đầu bởi tư lệnh Quân đội hiện đã bị sa thải, Juan José Zuniga - được gọi là Palacio Quemado, hay “Cung điện bị cháy”. Biệt danh này xuất phát từ cuộc đảo chính năm 1875, khi một đám đông ném đuốc đang cháy từ nhà thờ gần đó và gây ra hỏa hoạn khiến tòa trụ sở chính phủ bị vô hiệu hóa. Dinh Tổng thống được xây dựng lại trong tổ hợp Plaza Murillo, tại thủ đô La Paz. Nhưng kể từ đó, nó tiếp tục chứng kiến hàng chục cuộc bạo loạn, nổi dậy và đảo chính.
Sự cố gần nhất trong loạt biến động này xảy ra ngày 26/6 (theo giờ địa phương). Tại Casa Grande del Pueblo - tòa nhà chọc trời hiện đại bên cạnh tòa Palacio Quemado, được xây dựng dưới thời chính quyền Evo Morales để làm trụ sở chính phủ - Tổng thống Bolivia Luis Arce, vây quanh là các thành viên nội các của ông, đã kêu gọi người dân Bolivia đoàn kết để “đối đầu bất kì nỗ lực đảo chính nào”. Sau đó, ông Arce bổ nhiệm một ban lãnh đạo quân sự mới và quân nổi dậy rút lui. Đó là một ngày không quá bất thường khi nó trở thành một chương tiếp theo trong lịch sử bất ổn chính trị lâu dài của Bolivia.
Tổng thống Bolivia Luis Arce (thứ 4, trái) tại ban công Cung điện Chính phủ ở La Paz. |
Theo phân tích dữ liệu của các học giả người Mỹ Jonathan Powell và Clayton Thyne, Bolivia là quốc gia hứng chịu nhiều cuộc đảo chính nhất trên thế giới kể từ năm 1950: Tổng cộng là 23 cuộc, mặc dù 12 cuộc trong số đó đã thất bại. Nhà sử học và nhà báo người Bolivia Robert Brockmann thừa nhận: “Tùy thuộc vào cách tính, có một số lượng lớn các cuộc đảo chính ở Bolivia. Nếu tính theo số lượng tổng thống, bạn thực sự không thể tính hết tất cả vì một số người chỉ nắm quyền trong nửa giờ”, ông Brockman nói vui.
Sau khi kết thúc thời kì độc tài quân sự (1964-1982), Bolivia trải qua giai đoạn dân chủ, mà trong đó những người lên nắm quyền phải xây dựng liên minh. Trong những năm đó, đã xảy ra những cuộc khủng hoảng và nổi dậy, chẳng hạn như cái gọi là chiến tranh nước và khí đốt, khi người Bolivia đứng lên bảo vệ các nguồn tài nguyên của mình.
Cuộc khủng hoảng gần đây nhất trước vụ việc hôm 26/6 đã dẫn đến việc lật đổ cựu tổng thống Gonzalo Sánchez de Lozada, người trốn sang Mỹ và mở đường cho sự trỗi dậy của Tổng thống Evo Morales, người lên nắm quyền với sự ủng hộ của đa số người dân. Sự ủng hộ này cho phép vị tổng thống người bản địa đầu tiên của Bolivia lãnh đạo đất nước trong hơn một thập kỉ mà không cần liên minh. Nhưng nó cũng khiến ông phải níu giữ quyền lực và thay đổi luật để kéo dài nhiệm kì của mình cho đến khi cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra vào năm 2019.
Với nhà báo Rafael Archondo, Bolivia đã được hưởng nền dân chủ không gián đoạn kể từ năm 1982, khi các hệ thống dân chủ được khôi phục.Ông Archondo lập luận rằng, chưa có cuộc đảo chính nào kể từ khi trật tự chung được duy trì ở Bolivia, ngay cả trong cuộc khủng hoảng năm 2019 hoặc vụ việc hôm 26/6. Ông nói, quân đội chưa hề cai trị đất nước “dù chỉ một phút”.
Cả ông và nhà sử học Brockmann đều coi cuộc đảo chính do Zuniga cầm đầu ở Plaza Murillo là một phần của cuộc xung đột nội bộ trong đảng Phong trào tiến lên Chủ nghĩa xã hội (MAS) cầm quyền, vốn bị chia rẽ giữa cựu tổng thống Morales và người kế nhiệm Luis Arce, người cũng đang phải chịu hậu quả từ cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc.
Nhưng ngoài những động cơ thực sự đằng sau cuộc tấn công hôm 26/6, nhà phân tích Archondo nhấn mạnh rằng, tất cả các cuộc khủng hoảng đã trải qua cho đến nay trong thế kỉ này ở Bolivia - từ sự sụp đổ của Sánchez de Lozada năm 2003 đến cuộc khủng hoảng của cựu Tổng thống Evo Morales năm 2019 - đều đã được giải quyết thông qua các kênh thể chế…