Bệnh sốt xuất huyết, tại sao phải thử máu nhiều lần?
Sống khỏe 31/10/2019 09:49
Thử máu giúp chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết thường gặp ở trẻ em, xảy ra hầu như quanh năm. Thử máu là một trong những phương tiện giúp chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh sốt xuất huyết. Có nhiều loại xét nghiệm máu được thực hiện trong quá trình theo dõi và điều trị, nhất là trong trường hợp sốt xuất huyết nặng. Việc kết hợp giữa theo dõi diễn tiến khi khám bệnh nhi với diễn tiến của các kết quả xét nghiệm sẽ giúp bác sĩ lựa chọn phương cách điều trị phù hợp nhất cho tình trạng của bệnh nhi tại từng thời điểm của bệnh.
Hầu hết phụ huynh có con em bị sốt xuất huyết, dù chưa hiểu rõ lắm nhưng có lẽ cũng cảm nhận được sự cần thiết của việc thử máu, nên đã hợp tác rất tốt với nhân viên y tế để dỗ dành bé khi cần lấy máu xét nghiệm. Tuy nhiên, một số trường hợp điều trị ngoại trú hoặc phải nhập viện nhưng chưa cần truyền dịch thì phụ huynh thường thắc mắc: tại sao trẻ phải thử máu nhiều lần? Để giúp phụ huynh hiểu rõ hơn, an tâm hơn và hợp tác tốt hơn, trong khuôn khổ bài viết này xin đề cập đến một xét nghiệm máu được làm thường xuyên trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết: đo thể tích khối hồng cầu (Hematocrit).
Trị số thể tích khối hồng cầu là một trong những yếu tố giúp đánh giá mức độ cô đặc máu trong cơ thể bệnh nhi sốt xuất huyết. Có thể nói một cách đơn giản là nếu máu càng bị cô đặc thì bệnh càng dễ trở nặng. Tuy nhiên, can thiệp tình trạng cô đặc máu này sớm hay muộn đều có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị, vì vậy việc theo dõi diễn tiến tình trạng cô đặc máu để phát hiện thời điểm cần can thiệp là rất cần thiết, do đó xét nghiệm đo thể tích khối hồng cầu sẽ được các bác sĩ chỉ định thực hiện ở nhiều thời điểm tùy tình trạng bệnh nhi.
Các xét nghiệm máu được thực hiện đều cần thiết và lượng máu xét nghiệm (dù nhiều lần) là rất ít so với lượng máu trong cơ thể, hoàn toàn không làm cho bệnh nhi bị mất máu hay thiếu máu vì các xét nghiệm này. Do đó, phụ huynh không phải lo lắng con em mình bị mất máu nhiều.
Để góp phần giúp việc theo dõi và điều trị trẻ bệnh sốt xuất huyết được tốt hơn, phụ huynh cần cho trẻ uống nhiều nước và trấn an, động viên để trẻ bớt sợ hãi mỗi khi thử máu.
Thử máu giúp chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh sốt xuất huyết |
Muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết
Theo BS.CKII. Nguyễn Minh Tiến, bệnh viện Nhi đồng Thành Phố (HCM), Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi rút Dengue gây ra qua trung gian truyền bệnh là muỗi Aedes aegypti. Là do sự phát tán nhanh, lan rộng của muỗi vằn dưới điều kiện thuận lợi sau đây:
– Sự chuyên chở trứng (chịu đựng được mùa khô) và lăng quăng trong những bồn chứa nước, tàu bè, túi đựng nước của các du mục, những người hành hương…
– Sự chuyên chở các dạng muỗi trưởng thành bằng những phương tiện chuyên chở nhanh (xe lửa, máy bay, tàu…)
– Nhiệt độ thích hợp cho muỗi sinh trưởng và phát triển là khoảng 20 đến 250C.
– Muỗi trưởng thành có thể tìm thấy 50 mét xung quanh ổ với khoảng cách bay tối đa là khoảng 200 mét từ ổ lăng quăng. Nhưng chúng có thể khuếch tán thụ động theo các phương tiện giao thông như máy bay, tàu thủy đi khắp nơi và chỉ cần 1/100 số muỗi trong vùng bị nhiễm vi rút là có thể gây dịch.
Những đặc điểm sinh học quan trọng của muỗi vằn cần chú ý: Muỗi vằn rất thích hút máu người và thường sống ở trong nhà gần người. Chúng đậu nghỉ ở những nơi tối, trên quần áo sẫm màu, đồ dùng gia đình, trên các lọ hoa, không có con muỗi nào đậu trên vách tường. Muỗi đánh hơi người nhanh và sà vào là đốt ngay. Muỗi thường hoạt động đốt người vào ban ngày, hoạt động cao điểm vào lúc sáng sớm và chiều tối.
– Sự tồn tại khá lâu của trứng, chịu đựng được nhiều tháng trong mùa khô.
– Các ổ chứa lăng quăng thông thường là: Ổ chứa thiên nhiên hốc cây, thân tre, vỏ ốc, kẽ bẹ lá (thơm, chuối, khóm, môn…) ít khi gặp trên hốc đá; Ổ chứa nhân tạo: lu, hồ, vật chứa, chai lọ, chén bát bể, vỏ xe vứt bừa bãi ngoài vườn, máng xối, lọ hoa trong nhà, hòn non bộ, ghe xuồng, thùng xe.Tóm lại, các ổ chứa rất đa dạng, do con người tạo ra trong và quanh nhà, luôn luôn có mặt và chứa nước, không nhất thiết phải nhiều và không bẩn, thường là những ổ muỗi tồn tại trong mùa khô.
Qua nhiều năm nghiên cứu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các kết quả cho thấy ổ chứa lăng quăng chủ yếu là lu, vại, hồ, những vật chứa nước do con người tạo ra. Rất ít gặp lăng quăng Aedes aegypti ở các loại ổ chứa khác.