Bệnh ngừa được bằng vaccine gia tăng, nguy cơ trỗi dậy cao
Sống khỏe 12/06/2024 13:56
Tại hội nghị, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cùng các đơn vị tham dự chia sẻ về tình hình dịch bệnh, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, những khó khăn, thách thức cũng như các bài học kinh nghiệm và giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong thời gian tới.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho trẻ mắc tay chân miệng tại Khoa Bệnh Nhiệt đới |
Theo Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, tại khu vực phía Nam các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng ở mức thấp, không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm 2023 và trung bình 5 năm trước.
Tuy nhiên, các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa được bằng vaccine như sởi, ho gà, bệnh dại... đang trở thành mối lo ngại lớn. Từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận 41 ca bệnh ho gà và 317 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Đặc biệt, đã có 41 trường hợp tử vong do bệnh dại từ đầu năm đến nay, chiếm 27% cả nước, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhận định tình hình dịch bệnh hiện nay, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh nêu rõ bệnh truyền nhiễm lưu hành (sốt xuất huyết, tay chân miệng) hiện trong tầm kiểm soát, nếu không duy trì tốt các biện pháp can thiệp chủ động, nguy cơ dịch trỗi dậy cao. Bệnh ngừa được bằng vaccine gia tăng và xuất hiện chùm ca bệnh cục bộ tại một số địa phương, có nguy cơ cao xuất hiện các ổ dịch và lây lan nhất là ở những nơi tập trung đông người như trường học, điểm trông giữ trẻ và tại các cơ sở khám chữa bệnh. Một số khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bao gồm tỷ lệ tiêm chủng chưa như mong đợi; việc chẩn đoán phát hiện bệnh ngừa được bằng vaccine tại một số cơ sở khám chữa bệnh chưa kịp thời; du lịch, đi lại tăng cao trong dịp hè, đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ…
Kết luận hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các địa phương khu vực phía Nam tập trung dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn; đánh giá, rà soát khả năng phòng, chống dịch, đặc biệt là thuốc điều trị; đồng thời lên kịch bản ứng phó, sẵn sàng cơ sở vật chất, nguồn lực để thu dung, điều trị các bệnh truyền nhiễm; trong đó chú ý đến việc phân luồng, cách ly điều trị đối với các bệnh có nguy cơ lây truyền cao như bệnh sởi, ho gà.
Vaccine là vũ khí sắc bén phòng ngừa bệnh tật, tiêm chủng vắc xin là hành trình trong suốt cuộc đời, từ khi sinh ra cho đến khi già đi để bảo vệ cuộc sống khỏe mạnh, chặn đứng bệnh tật |
Đối với những bệnh dịch không có vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, các Sở Y tế cần chủ động tham mưu UBND tỉnh mua để chủ động mua vaccine, thuốc điều trị, huyết thanh… ứng phó với tình hình tại địa phương, không để tình trạng khi có dịch bệnh thì đẩy về các bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối của TP. Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các Cục, Vụ trực thuộc Bộ Y tế nghiên cứu, tham khảo ý kiến chuyên môn với Tổ chức Y tế Thế giới trong triển khai chiến dịch tiêm chủng bổ sung, mở rộng đối tượng tiêm chủng đối với bệnh sởi.
Tính đến tuần 23 (ngày 9/6) tình hình dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh, số ca sởi xác định tích lũy là 16 ca dương tính, phân bố tại 4/22 quận, huyện gồm Bình Tân (8 ca), Hóc Môn (5 ca), Bình Chánh (2 ca) và Quận 8 (1 ca).Trong 16 ca xác định có 2 ca dưới 9 tháng tuổi, 8 ca từ 9 tháng đến dưới 18 tháng tuổi, 1 ca từ 18 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi, 4 ca từ 2 tuổi đến dưới 5 tuổi và 1 ca dưới 15 tuổi. Tiền sử tiêm vaccine sởi của các bệnh nhân này như sau: 2 ca (12,5%) chưa đến tuổi tiêm chủng; 11 ca (68,75%) chưa tiêm sởi; 1 ca (6,25%) tiêm 1 mũi sởi và 2 ca (12,5%) tiêm đủ 2 mũi sởi. Về bệnh sốt xuất huyết Dengue, tính đến tuần 23, thành phố ghi nhận 3.677 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 53,7% so với cùng kỳ năm 2023 (7.945 ca), với số ca sốt xuất huyết nặng là 66 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc sốt xuất huyết đến tuần 23 là 1,79% (66/3.677) giảm hơn 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2023 là 3,49% (277/7.945). Về bệnh tay chân miệng, tính đến tuần 23, thành phố ghi nhận 6.210 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 155,1% so với cùng kỳ năm 2023 (2.434 ca), với số ca tay chân miệng nặng là 47 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc tay chân miệng đến tuần 23 là 0,76% (47/6.210) giảm hơn 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023 là 1,68% (40/2.387). Về bệnh ho gà, tuần qua, thành phố ghi nhận 3 ca ho gà tại 3 phường, xã (Nhơn Đức - Nhà Bè, Bình Hưng Hòa A - Bình Tân, Hiệp Bình Chánh - Thủ Đức). Số ca mắc tích lũy đến tuần 23 là 30 ca ho gà, trong đó có 4 ca nội trú, 2 ca ngoại trú và có 24 ca đã ra viện.
|