Những vị trí trong nhà có nhiều vi khuẩn rất dễ lây bệnh cho trẻ
Sống khỏe 04/07/2024 11:21
Ngoài ra, môi trường xung quanh trẻ có rất nhiều nơi có chứa lượng vi sinh vật lớn là tác nhân gây bệnh hàng đầu cho trẻ. Do đó, chú ý vệ sinh môi trường và vệ sinh tay đúng cách là biện pháp phòng bệnh hiệu quả cho trẻ.
Như chúng ta đều biết những nơi trong ngôi nhà có rất nhiều vi khuẩn và có nguy cơ lây bệnh cho trẻ, đó là: Kệ bàn chải đánh răng, khu vực nuôi thú cưng, tủ lạnh, sân nhà, sàn nhà, khu vực vườn có phân động vật… Ví dụ như kệ đựng bàn chải đánh răng là một trong những nơi dễ nhiễm vi trùng nhất trong nhà bạn. Nếu có một nhà vệ sinh gần đó, nó còn có thể nhiễm khuẩn nặng hơn. Việc xả nước nhà vệ sinh khiến phun ra nhiều giọt nước bẩn vào không khí. Để làm sạch bằng cách rửa hằng tuần trong nước nóng và sau đó lau khử trùng. Hay khu vực nuôi thú cưng, nếu như trẻ có thể tiếp xúc với thú cưng ở nhà hay trong các nơi trẻ học, công viên, sở thú,... Mặc dù điều đó giúp trẻ phát triển hơn, nhưng chúng có thể truyền vi khuẩn, vi rút và kí sinh trùng cho trẻ em qua chất thải, nước bọt hoặc lông của chúng.
Ảnh minh họa |
Đồ chơi và bát cho thú cưng có thể là nguồn vi khuẩn bao gồm salmonella và E.coli. Trẻ em phải luôn rửa tay sau khi chạm vào vật nuôi hoặc đồ chơi, bát đĩa hoặc thức ăn của thú cưng và tránh những nụ hôn với thú cưng. Đặc biệt, nên tránh không để trẻ em mang thức ăn, đồ uống, bình sữa trẻ em, núm vú giả hoặc đồ chơi vào khu vực động vật. Ngay như tủ lạnh của mỗi gia đình thì các vi sinh vật như Salmonella, campylobacter và norovirus luôn “ẩn nấp” ở bên trong và có thể gây đau bụng và tiêu chảy cho trẻ, đây là những vi khuẩn phổ biến trong nhà bếp. Để giữ cho mọi thứ an toàn với trẻ, nên bảo quản đúng cách những thực phẩm dễ hỏng. Rửa và làm sạch tủ lạnh thường xuyên, dọn những loại để lâu trong tủ lạnh tránh tạo thành ổ chứa vi khuẩn.
Sàn nhà của mỗi gia đình có thể có thức ăn rơi vãi, dầu mỡ, sàn nhà nhất là nhà bếp có thể là nơi không sạch để chơi đùa. Thảm và sàn cứng là nơi trú ngụ của mạt bụi, nấm mốc, các mảnh vụn thức ăn, bụi bẩn bên ngoài và thậm chí cả côn trùng. Những chất này có thể gây dị ứng và lên cơn hen suyễn. Các loại nấm gây ra bệnh nấm da chân và nấm ngoài da cũng có thể ẩn náu ở mặt đất. Cho nên, cần thường xuyên lau nhà bằng các loại nước có chất tẩy rửa và vệ sinh thảm để giúp làm sạch sàn nhà.
Nếu gia đình nào có sân chơi, vườn tược, nhất là có nuôi chó, mèo, chim cảnh,…, thì hãy cẩn thận với một số mối nguy hiểm từ đất và phân động vật. Chúng có thể là nguồn lây bệnh uốn ván, bệnh giun sán… Nên rửa tay sau khi chơi ở những sân có nhiều đất, tránh vết xước vì nguy cơ uốn ván cao, không đi chân đất để tránh nhiễm ấu trùng giun sán. Tiêm phòng là biện pháp hạn chế mắc bệnh uốn ván rất hiệu quả cho trẻ.
Trong thực tế cuộc sống thì mặc dù cho trẻ tiếp xúc một lượng vi sinh vật là điều tốt cho hệ miễn dịch của trẻ. Nhưng nếu lượng vi sinh vật quá lớn và có khả năng gây bệnh mạnh, nguy hiểm thì nên tránh cho trẻ. Chính vì vậy, ngoài việc rèn cho trẻ thói quen rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn hằng ngày trước mỗi bữa ăn, thì phụ huynh cũng cần phải chú ý vệ sinh thường xuyên một số vật dụng đồ dùng sinh hoạt, không gian, vị trí môi trường có nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc bệnh của trẻ, cũng như cho mọi thành viên trong gia đình.