“Bệnh” sợ sai!
Trong mắt người già 30/10/2023 09:05
“Bệnh đổ lỗi”, “Bệnh sợ sai” ở ta không phải bây giờ mới có. Mấy năm nay, hầu như ở cấp nào, ngành nào cũng xảy ra tình trạng này. Người ta viện đủ lí do để bao che cho năng lực yếu kém cũng như thiếu tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân. Hễ không làm được thì tất cả đều đổ lỗi cho thể chế.
Ảnh minh họa |
Gần đây, Quốc hội và Chính phủ đã cử một số đoàn đi giám sát việc triển khai thực hiện hệ thống pháp luật (Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định, Thông tư của Chính phủ), nhận định chung là hệ thống pháp luật cơ bản đều phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tuy có những nội dung còn vướng mắc nhưng không nhiều. Kết quả giám sát độc lập cho thấy, hiện nay có một số vướng mắc không phải do luật pháp mà cần có quyết sách của cấp có thẩm quyền như tại một số dự án có sai phạm, qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, xét xử thì cán bộ vi phạm đã bị xử lí kỉ luật.
Như vậy, bài toán một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, làm không hết chức năng, nhiệm vụ được giao không phải do thể chế mà do ở cá nhân cán bộ. Kết luận này cũng giải đáp câu chuyện, bây giờ không làm được gì thì tất cả đều đổ lỗi cho thể chế hết là biện hộ và không đúng với tinh thần phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc của cán bộ, công chức.
“Bệnh” cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai, không dám làm là chủ đề nóng vắt từ kì họp trước đến kì họp này và đến nay đã có kết luận rõ ràng về nguyên nhân. Cần khẳng định, nguyên nhân của “bệnh” đùn đẩy, né tránh trách nhiệm là do chính cán bộ, công chức, viên chức chứ không phải do thể chế, là sự chồng chéo hay vướng mắc của văn bản, chính sách pháp luật.
Khi đã bắt đúng “bệnh”, người dân mong muốn làm sao có “thuốc” đặc trị để chữa “căn bệnh” một cách dứt điểm trong thời gian sớm nhất. “Toa thuốc” này không chỉ cho bệnh né tránh, sợ trách nhiệm mà còn cả với “bệnh” sợ sai cũng đang phổ biến ở nước ta hiện nay.
Người nào sợ sai đến mức thu mình không làm gì cả hoặc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm thì nên đứng sang một bên. Trong hệ thống chính trị không có chỗ cho những cán bộ, công chức mắc phải “căn bệnh” này. Nếu cơ quan, đơn vị nào có những “con bệnh” như thế cần phải loại bỏ để Nhân dân thêm tin tưởng vào cơ quan Nhà nước.