Áo mới!
Trong mắt người già 25/11/2024 10:15
Dân ca ví, giặm là loại hình nghệ thuật diễn xướng gắn với văn hóa của người dân xứ Nghệ được thế giới vinh danh. Tuy nhiên, đời sống xã hội luôn vận động và phát triển nên kho tàng dân ca ví, giặm trở nên hạn chế về số lượng bài bản và làn điệu nên cần tiếp tục bổ sung. Việc tổ chức lớp tập huấn này cũng đồng nghĩa với “khoác tấm áo mới” cho dân ca ví, giặm, để từ đó, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được tốt hơn.
Mới đây, ở TP Hồ Chí Minh, Sân khấu IDECAF ra mắt vở kịch nói “Dưới bóng giai nhân” (tác giả và đạo diễn Quang Thảo). Tuy dựa vào “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, nhưng tác giả lại sáng tạo một phiên bản đầy bất ngờ, chỉ lấy 4 nhân vật: Thúy Kiều, Đạm Tiên, Hoạn Thư, Tú Bà để kể câu chuyện về... thân phận đàn bà!.
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là Di sản Văn hóa phi vật thể thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. |
Cũng dịp này, tiểu thuyết “Hòn Đất” được Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang “khoác áo mới” bằng vở cải lương “Đời hoa Rumdul”. Trước đó, “Hòn Đất” của nhà văn Anh Đức vào phim điện ảnh cùng tên của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến, rồi vở cải lương “Hương sứ đất Hòn”... từng gây tiếng vang khắp cả nước. Với “Đời hoa Rumdul”, tác giả Nguyễn Đình Đức và Phạm Văn Đằng không theo lối cũ mà khai thác nỗi đau của hai người mẹ khi con mình chết vì hai phía chiến tranh. Đó là bà Cà Xợi - mẹ của trung úy Xăm ác ôn và bà Sáu - mẹ chị Sứ.
Xăm làm tay sai cho giặc, là lính biệt kích tàn ác, giết người yêu nước, “moi gan, uống mật” cán bộ cách mạng không ghê tay. Khi thằng Xăm giết chị Sứ, để trả ân tình của bà Sáu, bảo vệ bộ đội và người dân xứ Hòn, bà Cà Xợi - người mẹ Khmer yêu nước đã giết chết đứa con trai ác ôn của mình. Chị Sứ và Xăm - hai đứa con khác nhau về lí tưởng, hai cái chết cũng khác nhau nhưng hai người mẹ gánh chịu một nỗi đau vì chiến tranh.
Cũng mới thôi, đầu tháng 11 vừa rồi, vở chèo Hồ Xuân Hương (Đoàn chèo Hải Phòng) tham dự Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng 2024 gây được ấn tượng với giới chuyên môn và nhận được sự tán thưởng của đông đảo người yêu sân khấu. Cuộc đời của “bà chúa thơ nôm” đa tài, đa đoan được các tác giả (kịch bản: Đức Minh; đạo diễn NSND Trịnh Thúy Mùi) khoác cho chiếc áo mới bằng cách nói, lối thể hiện mang hơi thở cuộc sống đương đại. Cảnh cuối vở diễn, khi nữ sĩ Hồ Xuân Hương đi “gõ cửa” quan chức nhằm giải oan cho chồng là Trần Phúc Hiển sao giống câu chuyện trong xã hội ta hiện nay...
Vài “lát cắt” vừa nhắc trên đây để thấy, người Việt chưa bao giờ hết yêu sân khấu, trong đó có sân khấu truyền thống của ông cha để lại. Chỉ là, rất mong các tác giả, nghệ sĩ, hãy “may đo” cho tác phẩm “chiếc áo mới”. Làm được điều đó, chắc chắn vở diễn sẽ mới, đẹp, chuyển tải đầy đủ tư tưởng tác phẩm tới người yêu sân khấu truyền thống Việt Nam.