Ai có lỗi với... rừng!
Trong mắt người già 25/08/2023 11:48
Như vậy, việc sạt lở đất ở Tây Nguyên, Sơn La, Lai Châu vừa qua có một phần lỗi từ tập thể, cá nhân chuyển đổi đất rừng làm thay đổi cấu trúc. Vì thế, sự tác động của con người dù được phép hay chưa được phép vô hình trung làm cho rừng tổn thương, giảm đáng kể sự chống đỡ trước thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt.
Còn ở Hà Nội, vụ mấy chiếc ô tô con bị “chôn chân” trong đất đá nguyên nhân sâu xa cũng không gì khác ngoài con người. Tháng 10/2018, sau khi dư luận bức xúc về tình trạng hàng loạt công trình mọc lên trên đất rừng Sóc Sơn, TP Hà Nội cho thanh tra toàn diện quá trình sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện này, trong đó có “điểm nóng” vi phạm tại 2 xã Minh Phú và Minh Trí. Đến tháng 3/2019, Thanh tra TP Hà Nội ban hành 2 kết luận thanh tra về đất rừng Sóc Sơn, nêu rõ hàng ngàn trường hợp vi phạm. Chỉ riêng 2 xã Minh Phú và Minh Trí, ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng có tới…797 công trình vi phạm.
Ấy thế mà sau hơn 4 năm kể từ khi Thanh tra TP Hà Nội chỉ ra sai phạm, hàng trăm công trình vẫn tiếp tục mọc lên trên đất rừng Sóc Sơn. Được biết, huyện Sóc Sơn đã xử lí 40 công trình vi phạm nằm ven các hồ dưới chân núi thuộc địa bàn 2 xã Minh Trí và Minh Phú. Với 36 trường hợp còn lại nằm ở ven hồ, khi huyện Sóc Sơn đang xây dựng kế hoạch cưỡng chế thì năm 2020, Thanh tra Chính phủ đề nghị “giữ nguyên hiện trạng, chờ điều chỉnh quy hoạch rừng. Khi điều chỉnh quy hoạch xong, công trình nào phù hợp thì giữ lại còn không sẽ bị cưỡng chế”.
Không hiểu do “trát” của Thanh tra Chính phủ hay do việc xử lí của huyện Sóc Sơn thiếu quyết liệt mà 3 năm nay, hàng loạt công trình vẫn tiếp tục mọc lên rầm rộ trên đất rừng phòng hộ buộc huyện phải xử lí. Theo đó, năm 2021, có hơn 300 trường hợp; năm 2022, có 245 trường hợp, còn 6 tháng đầu năm 2023, phát hiện 187 trường hợp vi phạm, nhưng huyện chỉ xử lí được 124 trường hợp.
Rừng ngày càng có giá trị về kinh tế và sự sinh tồn, việc chuyển đổi đất rừng thiếu khoa học, phá rừng phòng hộ làm dự án, xây dựng, làm đường,… mà không tính toán kĩ sớm muộn sẽ gây hậu quả khôn lường. Khi ấy, ai là người nhận lỗi với rừng?