Xây dựng văn hóa gia đình để tránh bạo lực
Đời sống 23/09/2020 09:24
Hầu hết mọi người đều bàng hoàng sửng sốt rồi căm phẫn, tức giận khi biết thông tin. Pháp luật sẽ trừng trị những kẻ mất nhân tính, nhưng còn đó câu hỏi cho mỗi gia đình, mỗi người là tại sao trong xã hội ngày càng văn minh con người lại đối xử với ruột thịt của mình tồi tệ đến vậy. Để đi tìm câu trả lời về căn nguyên của những bạo hành gia đình đó hoàn toàn không dễ.
Gia đình là tế bào của xã hội, một gia đình tốt sẽ tạo nên một xã hội tốt. Ở góc độ nhất định, điều này là hoàn toàn đúng. Sự ổn định của thiết chế gia đình tạo điều kiện cho xã hội ổn định và ngược lại. Chính vì thế, trong gia đình luôn tồn tại các quy định văn hóa và thực hành văn hóa cụ thể. Gia đình ở giai đoạn xã hội nào thì mang đặc trưng của xã hội đó.
Một gia đình tốt sẽ tạo nên một xã hội tốt - Ảnh- Minh họa |
Trong xã hội truyền thống, các quy định văn hóa được thể hiện ở các yếu tố như gia phong, gia giáo, gia pháp và gia lễ. Sự ổn định tương đối của các quy định văn hóa trong lịch sử khiến cho gia đình của người Việt ít có sự biến động và là cơ sở hình thành nên nền văn hóa Việt Nam đầy bản sắc.
Theo các chuyên gia, ngày nay, vì nhiều lí do, trong đó có sự phát triển rất nhanh của xã hội hiện đại với những thành tựu của khoa học, y học, công nghệ… nhiều giá trị truyền thống không còn phù hợp với hiện tại, khiến cho các quy định văn hóa không còn được thực hành. Bên cạnh đó, những quy định văn hóa mới cũng chưa thực sự hình thành, ổn định và xác lập giá trị. Chính vì vậy, văn hóa gia đình bị ảnh hưởng và trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra bạo lực trong gia đình.
Không chỉ các quy định văn hóa, thực hành văn hóa cũng có những vấn đề riêng của nó. Gia đình hiện đại phổ biến là gia đình hạt nhân, nơi chỉ có cặp vợ chồng và 1-2 con. Sự thay đổi quy mô gia đình từ 3 - 4 thế hệ cùng chung sống thành gia đình hạt nhân không đơn thuần là câu chuyện số lượng người, mà còn liên quan đến quan niệm lối sống, cách thức giáo dục. Trước đây, ông bà làm gương cho các con, cháu; bố mẹ làm gương cho con; anh chị làm gương cho các em. Giờ đây, khi số thành viên trong gia đình ít đi, bố mẹ lại quá bận rộn công việc thì việc giáo dục hay thực hành văn hóa làm gương đã giảm hẳn. Cái tôi được tôn sùng, ở nhiều chỗ, nhiều nơi người ta chỉ biết sống cho cá nhân mình. Thêm vào đó, thay vì chuyển giao văn hóa, giáo dục qua các thế hệ, giờ đây nhiều bố mẹ trông đợi vào các thiết chế xã hội khác như trường học, tổ chức đoàn thể… Trong khi đó, các tổ chức này chưa sẵn sàng và có đủ điều kiện để thay thế vị trí gia đình. Mặt khác, ai cũng biết nhà trường hay các đoàn thể chỉ mang tính tác động chứ không thể nào thay thế được sự giáo dục của gia đình. Vì vậy, nếu như trẻ em không được giáo dục đầy đủ về văn hóa, đạo đức, lối sống ngay trong gia đình cũng là một lí do quan trọng khiến cho những hiện tượng xuống cấp về đạo đức nảy sinh và phát triển.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, những hiện tượng bạo lực gia đình, xuống cấp đạo đức xã hội xuất phát từ những nguyên nhân thay đổi văn hóa trong gia đình. Chính vì lí do đó, xây dựng văn hóa gia đình là một trong những mục tiêu quan trọng trong xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam hiện nay. Dù vậy, chỉ xây dựng văn hóa trong gia đình cũng là không đủ, chúng ta cần xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh rộng lớn hơn để tạo điều kiện cho văn hóa gia đình phát triển tốt đẹp. Khi đất nước có môi trường văn hóa xã hội, giáo dục tốt, thiết chế văn hóa gia đình tốt, con người có nhiều cơ hội để hình thành nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp.