Xã Thiệu Duy, Huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa): 4 cây cầu bắc qua sông Mậu Khê đều hư hỏng nặng
Pháp luật - Bạn đọc 15/10/2019 13:58
Những cây cầu mà chúng tôi đang nhắc đến bao gồm Cự Khánh, Phú Điền, Đông Mỹ và Khánh Hội đều bắc qua sông Mậu Khê và thuộc địa phận của xã Thiệu Duy. Theo quan sát của phóng viên thì cả 4 cầu này đều đã xuống cấp, gây khó khăn cho sinh hoạt, giao thương của người dân và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong đó cầu Phú Điền nằm trong tình trạng cấp thiết nhất. Đây là cây cầu nối vào làng Phú Điền được xây dựng bằng xi măng, cốt thép từ những năm 90 của thế kỷ trước, với chiều dài khoảng 25m, gồm một trụ và 2 mố. Từ thời điểm tháng 3/2018 đến nay, cây cầu này đã bị nứt vỡ, toác thành nhiều mảng, sụt mất một phần, bà con phải dùng rào che chắn nhằm cảnh báo người qua lại. Nhiều đoạn có thể dùng tay nâng lật được những viên đá, mảng bê tông trên mặt cầu lên dễ dàng.
Người dân nơm nớp lo âu khi vẫn phải qua lại những cây cầu xuống cấp nghiêm trọng |
Ông Lê Đình Linh, người dân thôn Phú Điền cho hay: "Cây cầu này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chúng tôi. Trước đây Phú Điền là cầu treo, trâu bò và thậm chí cả người đi qua đây hay bị rơi xuống sông. Vì vậy, đầu những năm 90 dân làng đã đóng góp tiền của cùng với HTX nông nghiệp xây dựng cây cầu này. Trải qua 30 năm sử dụng, xe trọng tải qua lại nhiều nên cầu đã bị hư hỏng nặng, sập sệ, nguy cơ mất an toàn rất lớn. Điều bất cập đáng nói là làng Phú Điền bên này cầu, còn ruộng đồng lại phía bên kia cầu. Giờ cầu hư hỏng, tất cả vật liệu, nông sản bà con không dám trở qua đây mà phải đi vòng sang làng khác nên rất vất vả. Đây là đường huyết mạch không chỉ của thôn Phú Điền, mà nhiều người dân người thôn Cự Khánh và xã Thiệu Hợp cũng đi qua đây. Chúng tôi mong muốn các cấp sớm làm được cầu cho người dân cho chúng tôi có cái mà sinh hoạt, đường có thuận thì dân mới phát triển được. Bao năm qua, nhân dân địa phương cũng đã rất tích cực trong việc đóng góp xây dựng NTM như làm đường, xây nhà văn hóa… nếu giờ đóng góp để làm cầu nữa thì vất vả quá".
Không chỉ cầu Phú Điền, cầu Khánh Hội nằm trên tuyến đường 516C là cầu xi măng dài khoảng 100 m, cũng trong tình trạng xập xệ. Vậy nhưng mỗi ngày trôi qua, vẫn đang có hàng nghìn lượt người lưu thông bằng đủ các loại phương tiện đi trên cây cầu này. Trong tình trạng tương tự, cầu Cự Khánh, Đông Mỹ cũng bắc qua sông Mậu Khê và thuộc địa bàn xã Thiệu Duy, được xây dựng thủ công cách đây hơn 30 năm về trước cũng rơi vào tình trạng hư hỏng nặng.
Cầu Phú Điền bị sụt lún người dân phải lấy rào chắn lại để cảnh báo người qua đường |
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Duy Thuỷ, Chủ tịch UBND xã Thiệu Duy cho biết: 4 cây cầu trên địa bàn xã đều đã nằm trong danh mục đầu tư nhưng nếu làm chậm quá sẽ rất khó khăn cho bà con. Những cây cầu này phục vụ nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa cho hơn 8.000 dân xã Thiệu Duy. Ngoài ra còn phục vụ nhu cầu đi lại cho cả cụm xã, từ Thiệu Phú đến Thiệu Quang. Riêng cây cầu Phú Điền vừa bị sập cục bộ nên chính quyền, nhân dân đang rất lo lắng. Cầu Phú Điền và Cự Khánh đều do dân đóng góp cùng với hợp tác xã nông nghiệp xây dựng trên dưới 30 năm đến nay đã hư hỏng nặng. Tình trạng xuống cấp của 4 cây cầu này đã được chúng tôi báo cáo lên huyện và đề nghị đầu tư, rất mong sớm được triển khai.
Ông Trịnh Văn Súy, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết: 4 cây cầu bắc qua sông Mậu Khê, thuộc địa bàn xã Thiệu Duy đều đã nằm trong danh mục đầu tư. Riêng cầu Khánh Hội nằm trong dự án đường 516C của tỉnh. Hiện tuyến đường thì đã làm xong và nghiệm thu chưa lâu, việc xây cầu lại là một dự án khác với dự án làm đường. Song từ nay đến cuối năm, cây cầu này cũng sẽ được đấu thầu. Về cầu Phú Điền, đây là cây cầu xuống cấp nghiêm trọng nhất, cây cầu dân sinh này cũng được mấy chục năm rồi. Trước tình trạng cấp thiết này thì cầu Phú Điền cũng sẽ được khởi công sớm, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân.
Mặc dù chính quyền xã, huyện khẳng định những cây cầu hư hỏng nặng này đã có trong danh mục đầu tư. Song điều người dân muốn biết và chờ đợi là khi nào cầu mới được xây dựng. Và khi đó mới giải quyết được nỗi hoang mang, bất an cho bà con trong vùng.