Xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội: Đất khai hoang sử dụng mấy chục năm, chính quyền bảo là đất công ích(!?)
Pháp luật - Bạn đọc 13/03/2020 10:02
Trong nhiều đơn gửi các cơ quan chức năng, bà Trần Thị Hòa, ở thôn Ngã Tư, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội trình bày: Năm 1986, vợ chồng bà khai hoang thửa đất tại thôn Thượng, xã Sơn Đồng diện tích khoảng 448m2. Đây là thửa đất thùng đào, hố đấu do xã lấy đất đắp mương và đường rồi bỏ hoang. Vợ chồng bà phải mất nhiều công sức đào đắp, cải tạo thành đất bằng để canh tác, chăn nuôi… Năm 1994, chồng bà qua đời, bà vẫn sử dụng thửa đất ổn định để nuôi con. Năm 2003 - 2004, bà làm căn nhà cấp 4 trên thửa đất để ở. Quá trình khai hoang đất, rồi làm nhà đều không bị chính quyền xử lí. Cũng trong năm 2004, ông Nguyễn Đức Bổ, là chú ruột chồng bà ra tranh chấp, với lí do cho rằng đất này của các cụ để lại, nhưng không trình ra bất cứ chứng cứ nào để chứng minh. Bà Hòa làm đơn ra xã, đề nghị giải quyết. Biên bản làm việc ngày 22/2/2006, về việc giải quyết tranh chấp đất đai, chính quyền xã thống nhất tạm chia cho mỗi bên một nửa, bà Hòa được giao 278m2.
Quá trình sử dụng đất, bà Hòa đều nộp thuế đất phi nông nghiệp, là dạng đất ở. Thế nhưng, ông Bổ tiếp tục tranh chấp đất. Chính quyền từ xã đến huyện đều cho rằng đây là đất công, chỉ giải quyết cho bà 72,5m2, là diện tích bà đã làm nhà, còn lại vẫn là đất công. Bà Hòa làm đơn khiếu nại, các cấp chính quyền từ huyện đến thành phố đều trả lời bà đây là diện tích đất công. Rồi chính quyền xã ra lập biên bản, ban hành quyết định tháo dỡ nhà, trả lại đất cho xã…
Căn nhà cấp 4 bà Hòa xây dựng từ năm 2003 – 2004 để ở |
Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ thu thập được, trình bày nêu trên của bà Hòa là có căn cứ. Các biên lai nộp thuế đất đều thể hiện đây là đất phi nông nghiệp, dạng đất ở. Ngày 29/12/2016, UBND huyện Hoài Đức ra Thông báo số 803/TB-UBND, về kết quả thanh tra nguồn gốc đất, cho rằng đây là đất nông nghiệp, chưa được cấp có thẩm quyền giao cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng. Tại Thông báo này có nội dung: “Do công tác quản lí đất đai của UBND xã Sơn Đồng thiếu chặt chẽ, nên để hộ bà Trần Thị Hòa chiếm một phần đất nông nghiệp số 1017, thời gian khoảng năm 1986…”. UBND huyện giao Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND huyện xem xét việc công nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 72,5m2, nếu bà Trần Thị Hòa có đơn đề nghị.
Bà Hòa khiếu nại Thông báo số 803/TB-UBND, ngày 30/3/2017, UBND huyện ban hành Quyết định số 2682/QĐ-UBND, về giải quyết khiếu nại, cho rằng: “Đây là khu vực sâu trũng, khó canh tác nên bị bỏ hoang hóa… để hộ bà Trần Thị Hòa ra chiếm một phần thửa đất vào khoảng năm 1986… Năm 2004, bà Hòa xây dựng nhà trên phần đất đã chiếm. Qua đo đạc kiểm tra hiện trạng ngày 1/7/2016, diện tích đất bà Hòa đã xây dựng nhà là 72,5m2 (công trình nhà một tầng, tường xây bằng gạch chỉ, mái lợp tôn). Phần diện tích còn lại của thửa đất bỏ hoang hóa trước khi ông Bổ và bà Hòa có đề nghị công nhận quyền sử dụng đất…”. Tuy nhiên, UBND huyện vẫn quyết định giữ nguyên Thông báo số 803/TB-UBND ngày 29/12/2016.
Hàng rào tôn do chính quyền rào lại, bao toàn bộ thửa đất của gia đình bà Hòa |
Ngày 30/11/2017, UBND TP Hà Nội có Kết luận số 91/KL-UBND, về nội dung công dân tố cáo ông Nguyễn Viết Hùng (khi đó là Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng) có hành vi lập Tờ trình số 16/UBND-ĐC ngày 16/6/2015, đề nghị UBND huyện, Chi cục Thuế huyện Hoài Đức điều chỉnh diện tích đóng thuế đất phi nông nghiệp đối với bà Trần Thị Hòa, không có căn cứ, trái với quy định của pháp luật. Kết luận có nội dung: “Khoảng năm 1986, gia đình bà Hòa tự chiếm để tăng gia sản xuất, bà Hòa xây dựng nhà trên một phần thửa đất…”. Ngày 19/1/2018, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 369/QĐ-UBND, về giải quyết khiếu nại của bà Trần Thị Hòa, cho rằng đây là diện tích đất công do UBND xã Sơn Đồng quản lí, nên không có căn cứ giải quyết. Quyết định này hủy nội dung Quyết định số 2682/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, về xem xét công nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất đã xây nhà ở, nếu bà Hòa có đơn… Giao UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo UBND xã Sơn Đồng xem xét, xử lí việc xây dựng công trình trái phép của bà Trần Thị Hòa…
Ngày 28/6/2018, UBND xã Sơn Đồng tiến hành lập Biên bản vi phạm hành chính số 04/BB-VPHC về lĩnh vực đất đai, có nội dung hành vi của bà Hòa xây nhà cấp 4 trên đất, diện tích 72,5m2 thời điểm vi phạm và chấm dứt vi phạm năm 2003, đầu năm 2004. Biên bản căn cứ Quyết định số 369/QĐ-UBND ngày 19/1/2018 của UBND TP Hà Nội. Dựa vào đó, ngày 4/7/2018, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng Nguyễn Chí Lợi kí ban hành Quyết định số 79/QĐ-UBND, về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc bà Hòa phải khôi phục lại tình trạng của thửa đất, như trước khi vi phạm. Bà Hòa khiếu nại, ngày 11/9/2018, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 102/QĐ-UBND, giữ nguyên Quyết định số 79/QĐ-UBND.
Ông Nguyễn Đức Bổ xây tường bao chiếm đất, được chính quyền xã bỏ qua, cho tồn tại |
Bà Hòa khiếu nại lên UBND huyện. Ngày 21/12/2018, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức kí ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 10044/QĐ-UBND, cho rằng bà Trần Thị Hòa có hành vi lấn chiếm đất công, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng làm đúng trình tự, thủ tục theo Luật Xử lí vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP, Nghị định số 97/2017/NĐ-CP. Từ đó quyết định giữ nguyên Quyết định số 79/QĐ-UBND ngày 4/7/2018 và Quyết định số 102/QĐ-UBND ngày 11/9/2018, của Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng. Sau đó, ngày 23/5/2019, ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng kí ban hành Quyết định số 61/QĐ-CC, về cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, yêu cầu bà Hòa phải dỡ nhà, nếu không dỡ trong vòng 15 ngày, thì sẽ bị cưỡng chế.
Hành vi nêu trên của UBND và Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng là trái pháp luật, trái với điểm a, Khoản 1, Điều 3; Khoản 1, Điều 58 Luật Xử lí vi phạm hành chính, về nguyên tắc xử phạt: “Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời…” và “Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản…”.
Trong khi đó, bà Hòa định xây tường bao thì bị chính quyền ngăn cản |
Về nguồn gốc đất, như trên đã nêu, các văn bản của các cấp chính quyền đều xác định, thửa đất bị bỏ hoang hóa, gia đình bà Hòa khai hoang, cải tạo đưa vào sử dụng từ năm 1986, là thời điểm chưa có Luật Đất đai, vậy lấy đâu ra đất công ích? Đất công ích do UBND cấp xã quản lí và sử dụng chỉ xuất hiện từ khi Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực, theo đó quy định tại Điều 45: “Căn cứ vào quỹ đất đai, đặc điểm và nhu cầu của địa phương, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mỗi xã được để lại một quỹ đất không quá 5% đất nông nghiệp, để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương...”. Luật Đất đai năm2003, năm 2013, đều giữ nội dung quy định này. Mặt khác, xác minh thực tế cho thấy, thửa đất này xen kẹt trong khu dân cư. Như vậy có thể khẳng định, không có thửa đất công ích nào ở khu vực này.
Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng làm việc với phóng viên |
Trong khi đó, gia đình bà Hòa khai hoang sử dụng đất từ năm 1986, phải được công nhận là hợp pháp (kể cả lấn chiếm nhưng không bị xử lí). Khoản 4, Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này, nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993… thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất”. Cũng như vậy, Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định rõ: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 1/7/2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai… thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.
Từ những phản ánh và phân tích nêu trên, Báo điện tử Ngày mới đề nghị các cấp chính quyền huyện Hoài Đức và TP Hà Nội giải quyết dứt điểm vụ việc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.