Vụ án đề nghị chia di sản thừa kế và hủy sổ đỏ của bà Vũ Thị Đào: TAND tỉnh Hải Dương “ngâm án”, gây khó cho báo chí?!
Pháp luật - Bạn đọc 01/07/2019 11:08
Nội dung vụ việc
Bà Đào cho biết, bà là con ruột của cụ Vũ Tế Thọ (chết năm 1983) và cụ Bùi Thị Lương (chết năm 1999). Bố mẹ bà sinh được 7 người con, gồm: Ông Vũ Tế Tưởng (chết năm 1998), có vợ là bà Nguyễn Thị Hiền và 2 con là Vũ Tế Dũng, Vũ Tế Hoàn; bà Vũ Thị Tình, bà Vũ Thị Nghĩa, bà Vũ Thị Nguyệt, bà Vũ Thị Thiện, bà Vũ Thị Duyên, bà Vũ Thị Phương và bà.
Khi còn sống, cụ Lương đã tạo lập được khối tài sản, là quyền sử 1.358m2 đất tại thôn Cam Lộ, xã Tân Việt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương và ngôi nhà cấp bốn ba gian. Bố bà mất từ lâu, nên không có quyền lợi gì liên quan đến thửa đất này. Ngoài ra, đối chiếu với hồ sơ địa chính, sổ mục kê qua các thời kỳ, thì bố bà cũng không có liên quan đến thửa đất và tài sản trên phần đất trên.
Sau khi 6 chị em gái lập gia đình, phần đất này chỉ còn mẹ bà cùng vợ chồng và các con ông Vũ Tế Tưởng sinh sống. Để thuận tiện cho sinh hoạt, năm 1994, mẹ bà đã xây dựng 1 căn nhà cấp bốn hai gian trên đất, liền kề và chuyển sang sinh hoạt tại ngôi nhà này. Căn nhà cấp bốn ba gian, mẹ bà để lại cho gia đình ông Tưởng sử dụng. Do là con trai duy nhất trong gia đình, nên khi còn sống, ông Tưởng được mẹ bà tách cho 428m2 đất thổ cư cùng 88m2 đất nông nghiệp. Ngôi nhà cấp bốn ba gian do mẹ bà xây dựng, được tách cho ông Tưởng. Tiếp đó, đầu năm 1990, mẹ bà đã chuyển nhượng một phần diện tích đất cho ông Phạm Công Thanh. Diện tích đất còn lại sau khi chuyển nhượng bao gồm: 352m2 đất thổ cư, thuộc thửa 30, tờ bản đồ số 06, bản đồ đo năm 1997 và 139m2 đất vườn, thửa số 02, tờ bản đồ số 06, bản đồ đo năm 1997. Hai thửa đất này do mẹ bà quản lý và sử dụng.
Năm 1998, ông Tưởng chết, vợ và các con ông vẫn sử dụng ngôi nhà cấp bốn bà gian. Sau đó, anh Hoàn đã xây dựng 1 ngôi nhà ống, trên phần đất của ông Tưởng, anh Hoàn, anh Dũng và bà Hiền sinh sống tại đây. Ngôi nhà cấp bốn ba gian của mẹ bà không có ai sử dụng, hiện nay vẫn còn.
Năm 1999, mẹ bà chết, không để lại di chúc. Kể từ khi mẹ bà chết đến nay, chị em bà chưa thống nhất phân chia tài sản, là quyền sử dụng đất của mẹ bà để lại. Mặc dù đã lập gia đình, nhưng 6 chị em bà vẫn thường xuyên về nhà để trông nom, hương khói trong gần 20 năm qua. Tháng 7/2017, chị em bà đã họp bàn và thống nhất, dỡ bỏ ngôi nhà cấp bốn hai gian trên phần đất của mẹ, để xây dựng nhà thờ, với mục đích để thờ cúng tổ tiên và bố mẹ. Thế nhưng, trong quá trình phá dỡ, anh Dũng và anh Hoàn đã có hành vi cản trở, xúc phạm, cho rằng, 7 chị em bà không có quyền lợi nào đối với phần đất do mẹ bà để lại, vì các anh đã được UBND huyện Thanh Hà cấp sổ đỏ, đối với toàn bộ diện tích đất đứng tên mẹ bà và báo với UBND xã Tân Việt về việc xây dựng trên đất, vì vậy, hoạt động xây dựng không thể tiến hành được. 6 chị em bà rất bất ngờ, không đồng ý với những hành vi, ý kiến của Hoàn và Dũng, vì: Khi còn sống, mẹ bà chưa bao giờ thực hiện việc chuyển nhượng, cho tặng, hay giao dịch quyền sử dụng thửa đất số 30 và thửa đất số 2, tờ bản đồ số 6 cho ai. Khi chết, mẹ bà không để lại di chúc, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất cũng chưa từng có văn bản thỏa thuận về việc giao quyền sử dụng phần đất này cho anh Hoàn, hay anh Dũng. Kể từ thời điểm mẹ bà chết, chị em bà không ký vào bất kỳ giấy tờ, hồ sơ địa chính nào có nội dung công nhận quyền sử dụng đất cho anh Hoàn và anh Dũng, đối với phần đất đứng tên mẹ bà. Thông báo về việc hộ gia đình tự kiểm tra thửa đất đang sử dụng, để lập hồ sơ cấp sổ đỏ của thửa đất số 30, tờ bản đồ số 06, có chữ ký của cán bộ địa chính xã và UBND xã Tân Việt xác nhận vào ngày 20/8/2002, có chữ ký Dũng, tên mẹ bà “Bùi Thị Lương” bị gạch ngang, thay vào tên “Vũ Tế Dũng”. Đây là việc làm tự ý, không đúng của chính quyền xã và một số người liên quan. Hai thửa đất trên là di sản thừa kế của mẹ bà; 2 cháu bà là Dũng và Hoàn chỉ là người thừa kế thế vị của ôngTưởng, nên chỉ có một phần quyền đối với di sản của mẹ bà. Việc các cháu ngăn cản sử dụng, không cho xây dựng nơi thờ cúng bố mẹ, tổ tiên là không đúng, xâm phạm tới quyền lợi của bà và các chị em. Hơn nữa, bà không hiểu bằng cách nào? Anh Dũng và anh Hoàn lại có được sổ đỏ, trên phần đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp, duy nhất của mẹ bà. Do đó, bà xác định việc cấp giấy này là trái pháp luật, bà và các chị em của bà không đồng ý.
Do nội bộ gia đình bà không thể ngồi lại với nhau, để tìm phương án giải quyết tranh chấp trên tinh thần đồng thuận; về phía UBND xã Tân Việt cũng có lịch tổ chức hòa giải, nhưng Dũng, Hoàn bất hợp tác, không đến. Vì vậy, bà phải gửi đơn tới Tòa án, để giải quyết theo quy định của pháp luật.
“Ngâm án”, gây khó khăn cho báo chí?
Theo quy định tại điểm a, b, Khoản 1, Điều 203, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thời hạn chuẩn bị xét xử các loại vụ án, trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài được quy định như sau: Đối với các vụ án quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, thì thời hạn là 4 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án; Đối với các vụ án quy định tại Điều 30 và Điều 32 của Bộ luật này, thì thời hạn là 2 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan, thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá 2 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này và không quá 1 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này. Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án, thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Sau khi bà Đào có đơn gửi TAND tỉnh Hải Dương, đề nghị đưa vụ việc ra xét xử. Ngày 25/10/2017, TAND tỉnh Hải Dương có Quyết định số 58/2017/TLST-DS về việc thụ lý giải quyết vụ án dân sự “Tranh chấp chia di sản thừa kế và yêu cầu hủy sổ đỏ”, giữa nguyên đơn là bà Đào và bị đơn là anh Vũ Tế Hoàn, Vũ Tế Dũng. Tuy nhiên đến nay, đã hơn 20 tháng trôi qua, TAND tỉnh Hải Dương vẫn “ngâm án”, chưa đưa vụ án ra xét xử.
Để làm rõ vấn đề, phóng viên Báo Ngày mới online (Báo Người cao tuổi) đã liên hệ đặt lịch làm việc với TAND tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, phóng viên vô cùng bất ngờ với cách làm việc của cơ quan này, khi phóng viên xuất trình Giấy giới thiệu, ghi rõ nội dung làm việc, được văn thư và ông Lê Thanh Nam, Phó Chánh văn phòng lên báo cáo Chánh án. Sau đó, cả 2 vị này đều cho biết, Chánh án không làm việc và không chấp nhận việc đặt lịch làm việc, đề nghị phải có công văn từ Báo, chúng tôi mới làm việc và trả lời, đây là quy định của cơ quan...mặc cho phóng viên giải thích.
Từ phản ánh trên, Báo Ngày mới online (Báo Người cao tuổi) đề nghị TAND Tối cao xem xét lại cung cách làm việc của cán bộ TAND tỉnh Hải Dương và chỉ đạo sớm đưa vụ án ra xét xử.
Báo Ngày mới online sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!