Việt Nam vào nhóm các nước có Chỉ số phát triển con người cao
Đời sống 18/12/2020 08:51
Đây là một trong những kết quả quan trọng của Báo cáo PTCN toàn cầu năm 2020 với tiêu đề “Giới tuyến tiếp theo: Phát triển Con người trong kỉ nguyên con người tác động lên khí hậu và môi trường” do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố chiều 16/12, tại Hà Nội.
Theo Báo cáo, Chỉ số PTCN (HDI) năm 2019 là 0,704 đưa Việt Nam vào nhóm PTCN cao và xếp thứ 117 trong số 189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từ năm 1990 - 2019, giá trị HDI của Việt Nam đã tăng gần 46%, nằm trong số các nước có tốc độ tăng HDI cao nhất trên thế giới.
Đáng chú ý, tiến bộ PTCN của Việt Nam đã đạt được với mức độ bất bình đẳng vừa phải và ổn định. Mức giảm giá trị HDI của Việt Nam do bất bình đẳng vào năm 2019 là 16,5%, giảm thu nhập do bất bình đẳng là 19,1% và hệ số GINI (đo lường bất bình đẳng thu nhập) ở mức 35,7, là một trong những mức thấp nhất trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Ảnh minh hoạ |
Báo cáo PTCN toàn cầu năm 2020 cũng chỉ ra rằng Việt Nam đã và đang thực hiện tốt bình đẳng giới. Với chỉ số phát triển giới (GDI) là 0,997, Việt Nam đứng thứ 65 trong số 162 quốc gia và nằm trong nhóm cao nhất trong 5 nhóm trên thế giới. Đặc biệt, tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội đưa Việt Nam vào nhóm cao nhất trong 3 nhóm trên toàn cầu.
Về chất lượng PTCN, Việt Nam thực hiện tốt các chỉ số y tế, giáo dục, việc làm và phát triển nông thôn. Việt Nam nằm trong nhóm đầu trong 3 nhóm về số năm không sống khỏe theo tỉ lệ phần trăm tuổi thọ (11,7%) và số giường bệnh (32 giường/100.000 dân). Tất cả giáo viên tiểu học đều được đào tạo, điện khí hóa nông thôn đạt 100% dân số, tỉ lệ thất nghiệp thấp.
Ngoài những kết quả tích cực đã đạt được, báo cáo cũng chỉ ra Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức về bất bình đẳng giới. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm cuối trong 3 nhóm trên toàn cầu về tỉ số giới tính khi sinh (1,12), bạo lực đối với phụ nữ (34,4%) và phụ nữ có tài khoản trong các tổ chức tài chính hoặc các nhà cung cấp dịch vụ tiền tệ điện tử (30,4%). Dữ liệu còn cho thấy sự chênh lệch lớn hơn giữa các vị trí địa lí và các nhóm dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, Việt Nam nằm trong nhóm thứ ba dưới cùng về tỉ lệ việc làm dễ bị tổn thương (54,1%) do phần lớn lực lượng lao động phụ thuộc vào tự kinh doanh trong các hộ kinh doanh.
Cũng theo Báo cáo, đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng lớn mà thế giới phải đối mặt, nhưng nếu con người không tôn trọng thiên nhiên, thì sẽ còn nhiều cuộc khủng khoảng lớn như vậy nữa.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương hoan nghênh Báo cáo PTCN năm 2020 đưa ra Chỉ số PTCN có tính đến áp lực lên hành tinh (PHDI). Việt Nam là một trong các quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Với việc sử dụng thêm chỉ số này, Việt Nam sẽ có cơ sở định hướng trong ban hành và thực hiện các chính sách phù hợp, kịp thời ứng phó với vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đối khí hậu.
Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen đánh giá cao Việt Nam với chủ trương phát triển lấy con người làm trung tâm, ưu tiên PTCN và thúc đẩy bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo bà Caitlin Wiesen, Việt Nam đạt được mức PTCN cao là một thành tựu đáng ghi nhận và cũng tạo cơ hội cho sự phát triển tốt hơn và nhanh hơn trong giai đoạn tới. Những hoạch định được đưa ra tại thời điểm này sẽ quyết định Việt Nam có tiếp tục tăng trưởng với tỉ lệ bất bình đẳng thấp hay không, đồng thời quyết định Việt Nam có thể phát triển nhưng giảm áp lực lên hành tinh và tăng cường sự hài hòa của con người và môi trường.
Bà Caitlin Wiesen cũng khẳng định, UNDP sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong hành trình xây dựng lại con đường phát triển, tôn trọng sự chung sống của con người và hành tinh.