Viễn cảnh khó lường của thị trường dầu
Quốc tế 07/06/2022 09:45
Bước điều chỉnh của OPEC+ được đánh giá là đáng ghi nhận, dù nhiều nhà phân tích cho rằng, vẫn chưa “thấm tháp” trước sức ép mà các nước đối mặt do giá năng lượng tăng cao. Điều đó cũng khiến viễn cảnh của thị trường dầu thế giới vẫn khó lường.
Mức tăng lần này tương đương 0,7% nhu cầu dầu của thế giới, được coi là dấu hiệu cho thấy nhóm các nước xuất khẩu dầu chủ chốt đang tiến tới kết thúc giai đoạn cắt giảm sản lượng lịch sử từng áp dụng trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành và buộc các nước phải áp dụng các biện pháp phong tỏa phòng dịch.
Trở lại quyết định của OPEC+, bà Ipek Ozkardeskaya, chuyên gia phân tích cấp cao tại Ngân hàng Swissquote (Thụy Sĩ) gọi đây là một “diễn biến rất bất ngờ” bởi OPEC đã liên tục từ chối lời kêu gọi nâng sản lượng từ Mỹ, Anh và các quốc gia phương Tây khác. Trước cuộc họp của OPEC+, nhiều nguồn tin cũng cho biết, Saudi Arabia chưa thấy thị trường thực sự thiếu hụt dầu mỏ.
Hình ảnh 3D về biểu tượng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) |
Có nhiều yếu tố khiến các nước như Saudi Arabia, dẫn đầu OPEC+, thay đổi ý định duy trì sản lượng dầu. Các nền kinh tế đã mở cửa trở lại và dần phục hồi sau đại dịch, đẩy nhu cầu dầu thô tăng cao. Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, bắt đầu nới lỏng hạn chế phòng dịch khi số ca mắc Covid-19 giảm dần. Bên cạnh đó, sức ép đối với các thành viên OPEC+ ngày càng tăng. Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ tháng trước thông qua một dự luật chống độc quyền, cho phép Bộ trưởng Tư pháp Mỹ khởi kiện OPEC, các quốc gia thành viên của tổ chức này, cũng như các nước đối tác của OPEC trong OPEC+ nếu nhận thấy có hành vi dàn xếp để "thổi" giá dầu.
Cuộc họp của OPEC+ cũng diễn ra trong lúc thế giới đang phải vật lộn với giá “vàng đen” tăng cao. Cuộc xung đột tại Ukraine khiến giá dầu thô hồi tháng 3 tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 và duy trì ở mức trên 100 USD/thùng. Sự tăng giá nhanh chóng này là một trong những nguyên nhân chính gây ra lạm phát cao kỉ lục trong hàng chục năm qua tại nhiều nền kinh tế.
Về mặt lí thuyết, sản lượng dầu trong tương lai sẽ cao hơn hiện nay, song thực tế các nước thành viên OPEC+ lại phải vật lộn để đáp ứng hạn ngạch sản xuất. Hơn nữa, sản lượng bổ sung dự kiến tung ra thị trường sẽ không bù đắp được thiệt hại tiềm tàng của việc mất đi nguồn cung từ Nga. Sản lượng dầu của Nga đã giảm 1 triệu thùng/ngày kể từ lúc xung đột ở Ukraine nổ ra và các lệnh trừng phạt của phương Tây tác động tới nền kinh tế Nga. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu dầu của Nga vẫn giữ vững trong thời gian qua, nhưng các quan chức OPEC cho rằng, Nga sẽ khó sản xuất được lượng dầu như trước, nhất là khi phương Tây gia tăng áp lực.
Chuyên gia phân tích Jeffrey Halley tại công ty Oanda (trụ sở tại New York, Mỹ) cũng cho rằng, quyết định của OPEC+ không thể bù đắp được sự suy giảm nguồn cung dầu thô do sự sụt giảm sản lượng từ Nga. Về phía Nga, một số nguồn tin cho biết, Moskva có thể đồng ý cho các nhà sản xuất khác tăng sản lượng để lấp đầy khoảng trống sản lượng của mình nhằm duy trì sự thống nhất trong OPEC+ và sự ủng hộ từ các nước vùng Vịnh có xu hướng trung lập trong cuộc xung đột Ukraine…
Diễn biến mới chưa có tác động ngay lập tức đến thị trường thế giới. Sau cuộc họp của OPEC+, giá dầu thế giới vẫn tăng hơn 1%. Tuy nhiên, các chuyên gia kì vọng quyết định tăng sản lượng có thể giúp hạ nhiệt dần thị trường trong mùa Hè. Ngoài ra, giá dầu có thể “xuống thang” hơn nữa nếu dự báo của các nhà phân tích về tồn kho dự trữ của Mỹ chính xác. Thị trường cũng sẽ được hỗ trợ bởi việc Trung Quốc dần nới lỏng các hạn chế phòng dịch Covid-19 sau đợt phong tỏa nghiêm ngặt tại Thượng Hải và Bắc Kinh. Mặc dù vậy, chưa ai dám chắc những tác động tích cực từ quyết định tăng sản lượng của OPEC+ sẽ lâu dài và thị trường dầu mỏ thế giới vẫn đứng trước viễn cảnh bất ổn khó lường.