Văn hóa mặc của giới trẻ hiện nay
Đời sống 08/04/2024 09:32
Người phương Đông chúng ta từ ngàn đời đã rất coi trọng các giá trị chuẩn mực trong sinh hoạt đời thường từ chuyện ăn, mặc đến quan hệ giao tiếp…. Có rất nhiều tục ngữ, thành ngữ nhằm răn dạy thế hệ sau về đối nhân xử thế, cách thức sinh hoạt đại loại như: “Học ăn học nói, học gói học mở”; “Cái răng cái tóc là vóc con người”; “Ăn cho chắc mặc cho bền”… Tất cả đều muốn nhắn nhủ với đời sau rằng, phải biết trân trọng, gìn giữ những giá trị thuộc về văn hóa truyền thống tốt đẹp, mang nét đặc trưng của dân tộc. Cũng chính nhờ giữ được những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà chúng ta vẫn bảo vệ và giữ gìn được cốt cách riêng của con người Việt Nam. Nó chính là cơ sở để giới thiệu, quảng bá tới thế giới về một dân tộc Việt Nam anh hùng, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
Nhân dân thế giới biết đến Việt Nam không chỉ thông qua hai cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại mà còn qua nét đặc trưng của tà áo dài duyên dáng, mềm mại, rất vẻ thanh lịch, sang trọng. Trong các cuộc thi trang phục, hoa hậu tầm khu vực và quốc tế, áo dài Việt Nam luôn là biểu tượng quen thuộc, tự tin để các cô gái vươn lên giành vinh quang về cho đất nước.
Kiểu cách ăn mặc. Mặc sao cho phù hợp, cho đúng với “quy chuẩn” truyền thống, phong cách văn hóa của dân tộc. Chuyện ăn mặc, không chỉ dừng lại ở những sinh hoạt đời thường, mà phản ánh cả một nền văn hóa, một lối sống mà con người, xã hội đang duy trì, theo đuổi…
Chuyện ăn mặc của thanh niên - chủ nhân tương lai của đất nước, trong thời gian qua khiến không ít người lo ngại. Một số bạn gái ăn mặc làm người nhìn vào phải “nghẹt thở”, mặc nhiên đi chơi với bộ đồ ngủ “khêu gợi” thiếu trước hụt sau. Chưa dừng lại ở đó, nhiều bạn trẻ còn khoác lên mình những chiếc áo có hình đầu lâu, đại bàng cất cánh, sư tử nhe nanh…
Đã đến lúc phải xem xét và nhìn nhận lại một cách nghiêm túc về chuyện ăn mặc của thanh niên thời đại mới…
Quan niệm về “văn hóa mặc” không phải là chuyện gì quá cầu kì phức tạp, mà chỉ đơn thuần là sự tiếp nhận cách ăn mặc phù hợp với từng thời kì, từng giai đoạn lịch sử, được dư luận xã hội chấp nhận và khuyến khích. Cách thức ăn mặc hiện nay chắc chắn khác so với thời kì trước, thế nhưng không được phép vượt “ngưỡng”, đi ngược với các giá trị truyền thống dân tộc, gây nên dư luận không tốt trong xã hội.
Thanh niên là bộ phận tiếp nhận và thể hiện rõ nhất sự thay đổi của xã hội, đất nước và thời đại, từ tiếp nhận tri thức khoa học công nghệ đến văn hóa, ăn mặc, nói năng, cư xử. Cùng với sự phát triển của xã hội, đời sống của con người được nâng cao, quan niệm ăn mặc cũng có nhiều thay đổi, không còn là “ăn chắc, mặc bền” nữa mà phải là “ăn ngon, mặc đẹp” theo “mốt”.
Việc lựa chọn kiểu cách ăn mặc là quyền của mỗi người, không có pháp luật nào quy định. Thế nhưng, không phải vì thế mà thỏa sức phô trương, quảng bá những kiểu cách ăn mặc lạ đời, thiếu vải…
Tiếc rằng, bên cạnh những bạn trẻ có tư tưởng về cội nguồn, có ý thức giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, thì vẫn còn bộ phận không nhỏ lại có tư tưởng “hướng ngoại” một cách thái quá, không khỏi làm nhiều người phải giật mình ái ngại.
Hiện xu hướng thời trang của giới trẻ là khá thoáng và thoải mái. Thế nhưng, mỗi người phải tự biết rằng, mình mặc như vậy có đẹp không và xuất hiện ở đâu thì mặc như thế nào cho phù hợp… Với những chốn linh thiêng, nhạy cảm như đình chùa, đám tang… cần ăn mặc chỉnh tề, kín đáo, nghiêm túc. Còn đến những nơi vui chơi, giải trí như bể bơi, bãi biển… thì ăn mặc “thoáng” một chút cũng chẳng ai đánh giá, phản đối.
Bên cạnh đó, một số bạn trẻ còn muốn “biến” mình thành các ngôi sao, các diễn viên điện ảnh bằng cách ăn mặc giống hệt họ. Thế nhưng “chiếc áo chẳng làm nên thầy tu”, chỉ làm họ trở nên kệch cỡm chẳng giống ai.
Ngày trước, học sinh, sinh viên đến trường hoặc là mặc đồng phục, còn không thì quần áo cũng rất giản dị, trang nhã. Còn bây giờ, chỉ cần theo chân một sinh viên lên lớp có thể thấy cách ăn mặc của các em rất phong phú, đa dạng. Chuyện sinh viên mặc váy ngắn, quần áo hở rốn, hoặc mỏng tang đến lớp đã không còn là chuyện lạ. Có bạn trẻ còn mặc nhiên “trang trí” cho mình vô số các trang sức theo kiểu “không đụng hàng” nhằm khẳng định sự khác biệt. Nhiều người đặt ra câu hỏi, trong khi các bạn trẻ chú tâm vào hình thức thì tại sao không đồng thời trau dồi, bồi dưỡng, kiến thức, nét đẹp tính cách để tuổi trẻ luôn đẹp trong mắt mọi người.
Trang phục, ngoài nhiệm vụ chính là che đậy cơ thể ra còn “toát” ra nét đẹp hình thức cũng như vẻ đẹp nội tâm. Vì vậy, trong chuyện ăn mặc phải luôn thể hiện rõ nét văn hóa, lịch sự. Dù rằng, mỗi người có quyền lựa chọn cho mình cách ăn mặc khác nhau, phù hợp với sở thích, điều kiện, hoàn cảnh. Thế nhưng, mặc sao cho đẹp và không đi ngược với thuần phong mĩ tục lại không chỉ là chuyện của mỗi người mà là vấn đề của toàn xã hội.
Thiết nghĩ, thanh niên được coi là lực lượng xung kích, trụ cột của đất nước - chủ nhân tương lai của nước nhà. Vì vậy, vấn đề “văn hóa mặc” của thanh niên cũng cần được sự quan tâm, định hướng, giáo dục không chỉ ở gia đình, nhà trường mà còn cả xã hội. Trong đó, cần phát huy tốt vai trò của tổ chức Đoàn trong tập hợp định hướng cho thanh niên những giá trị chuẩn mực không chỉ là mục tiêu, lí tưởng mà ngay cả những vấn đề thiết thực của cuộc sống hằng ngày như chuyện ăn mặc, sinh hoạt cao hơn là kĩ năng sống… Tất cả những nỗ lực đó nhằm xây dựng một thế hệ mới “vừa hồng, vừa chuyên” có tri thức sâu rộng, sức khỏe tốt, khát khao cống hiến và thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.