Vấn đề của hệ tim mạch
Sức khỏe 08/09/2022 11:18
Kì 57: Phân loại và nguyên nhân thiếu máu
4. Các loại thiếu máu và nguyên nhân thiếu máu
4. 2. Thiếu máu do sản xuất hồng cầu giảm hoặc bị lỗi
Với loại thiếu máu này, cơ thể có thể không tạo ra đủ tế bào máu hoặc chúng có thể không hoạt động theo cách bình thường. Điều này có thể xảy ra do có vấn đề gì đó với tế bào hồng cầu hoặc do không có đủ khoáng chất và vitamin để tế bào hồng cầu được hình thành bình thường. Các tình trạng liên quan đến những nguyên nhân thiếu máu do sản xuất hồng cầu giảm hoặc bị lỗi, bao gồm:
Các vấn đề về tủy xương và tế bào gốc.
Thiếu máu do thiếu sắt.
Thiếu máu hồng cầu hình liềm.
Thiếu máu do thiếu vitamin, cụ thể là vitamin B12 hoặc folate.
Các vấn đề về tủy xương và tế bào gốc có thể khiến cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu. Một số tế bào gốc trong tủy - phần trung tâm xương - sẽ phát triển thành các tế bào hồng cầu. Nếu không có đủ tế bào gốc, hay nếu chúng không hoạt động bình thường hoặc nếu chúng bị thay thế bởi các tế bào khác, chẳng hạn như tế bào ung thư, bạn có thể bị thiếu máu. Thiếu máu do các vấn đề về tủy xương hoặc tế bào gốc bao gồm:
Thiếu máu bất sản: Tình trạng này xảy ra khi không có đủ tế bào gốc hoặc không có tế bào gốc nào cả. Bạn có thể bị thiếu máu bất sản do gen hoặc do tủy xương bị tổn thương do thuốc, xạ trị, hóa trị hoặc nhiễm trùng. Các khối u ác tính khác thường ảnh hưởng đến tủy xương bao gồm đa u tủy hoặc bệnh bạch cầu. Đôi khi, không có nguyên nhân rõ ràng gây ra bệnh thiếu máu bất sản.
Nhiễm độc chì: Chì là chất độc đối với tủy xương, khiến có ít tế bào hồng cầu hơn. Ví dụ, ngộ độc chì có thể xảy ra khi người lớn tiếp xúc với chì tại nơi làm việc, hoặc nếu trẻ em ăn phải mảnh sơn có chì. Cũng có thể mắc bệnh nếu thức ăn tiếp xúc với một số loại đồ gốm không tráng men.
Thalassemia: Tình trạng này xảy ra với vấn đề hình thành hemoglobin (4 chuỗi hemoglobin trong tế bào hồng cầu không được hình thành chính xác). Tạo ra các tế bào hồng cầu thực sự nhỏ - mặc dù bạn có thể tạo ra đủ số lượng hồng cầu để không có triệu chứng hoặc có thể có các triệu chứng nghiêm trọng. Tình trạng này được di truyền trong gen và thường ảnh hưởng đến những người gốc Địa Trung Hải, châu Phi, Trung Đông và Đông Nam Á. Thalassemia có thể từ nhẹ đến nặng đe dọa tính mạng; hình thức nghiêm trọng nhất được gọi là thiếu máu Cooley.
Thiếu máu do thiếu sắt xảy ra do không có đủ khoáng chất sắt trong cơ thể. Tủy xương cần sắt để tạo ra hemoglobin, một phần của tế bào hồng cầu lấy oxy đưa đến các cơ quan. Thiếu máu do thiếu sắt có thể do:
Chế độ ăn uống không có đủ chất sắt, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, trẻ em, thanh thiếu niên, người ăn chay trường.
Một số loại thuốc, thực phẩm và đồ uống có chứa caffein.
Các tình trạng tiêu hóa như bệnh Crohn hoặc nếu bạn đã cắt bỏ một phần dạ dày hoặc ruột non.
Hiến máu thường xuyên.
Mang thai và cho con bú khiến cho cơ thể người phụ nữ có thể bị thiếu sắt.
Kinh nguyệt.
Nguyên nhân phổ biến là chảy máu chậm mạn tính, thường có nguồn gốc từ đường tiêu hóa.
Thiếu máu hồng cầu hình liềm là một chứng rối loạn máu, trong đó các tế bào hồng cầu, bình thường sẽ có hình tròn, nhưng lại trở thành hình lưỡi liềm do gen có vấn đề. Tình trạng thiếu máu xảy ra khi các tế bào hồng cầu này bị phá vỡ nhanh chóng, do đó oxy không đến được các cơ quan. Các tế bào hồng cầu hình lưỡi liềm cũng có thể mắc kẹt trong các mạch máu nhỏ và gây đau.
Thiếu máu do thiếu vitamin có thể xảy ra khi cơ thể không nhận đủ vitamin B12 và folate. Bạn cần hai loại vitamin này để tạo ra các tế bào hồng cầu. Loại thiếu máu này có thể do:
Chế độ ăn uống thiếu hụt: Nếu bạn ăn ít hoặc không ăn thịt, có thể không nhận đủ vitamin B12. Nếu nấu rau quá chín hoặc không ăn đủ, bạn có thể không nhận đủ folate.
Các nguyên nhân khác của sự thiếu hụt vitamin bao gồm thuốc men, lạm dụng rượu và các bệnh đường ruột.
Thiếu máu liên quan đến các tình trạng mạn tính khác thường xảy ra trong tình trạng viêm nhiễm lâu năm. Các protein gây viêm làm chậm quá trình sản xuất hồng cầu non của tủy xương theo nhiều cách khác nhau. Các điều kiện gây ra loại thiếu máu này bao gồm:
Bệnh thận tiến triển.
Suy giáp.
Tuổi già.
Ung thư.
Nhiễm trùng.
Lupus.
Đái tháo đường.
Viêm khớp dạng thấp.