Ưu đãi người có công phải tương xứng, không cào bằng
Đời sống 12/08/2020 09:37
Dự thảo Pháp lệnh được xây dựng hiện gồm có 6 Chương và 57 Điều. Cụ thể, bổ sung 2 Chương mới là Chương 3 "Công trình ghi công liệt sĩ", Chương 4 "Nguồn lực thực hiện"; bỏ Chương "Khiếu nại, tố cáo, xử lí hành vi vi phạm" và chuẩn hóa thành các Điều 54 Áp dụng Pháp lệnh và Điều 56 Xử lí vi phạm quy định tại Chương Điều khoản thi hành.
Đồng thời, bổ sung 9 Điều mới và sửa đổi 41 Điều.Giữ nguyên 12 diện đối tượng người có công với cách mạng của Pháp lệnh hiện hành; các quy định trong mỗi diện đối tượng được sửa đổi, bổ sung kết cấu lại theo trật tự về: Điều kiện, tiêu chuẩn; Chế độ ưu đãi đối với đối tượng; Chế độ ưu đãi đối với thân nhân và người có liên quan.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo cơ bản giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như Pháp lệnh hiện hành và quy định 3 đối tượng áp dụng: Người có công với cách mạng; Thân nhân người có công với cách mạng; Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.
Ảnh minh họa |
Dự thảo kế thừa 12 đối tượng người có công với cách mạng của Pháp lệnh hiện hành. Làm rõ hơn điều kiện tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng đối với: Công dân Việt Nam đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, có công với cách mạng trên lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam (chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, trong xây dựng đất nước); người Việt Nam có công với cách mạng đang thường trú hoặc tạm trú nước ngoài; bổ sung vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá đủ điều kiện và đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định của Nghị định hiện hành.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các quy định chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân trong dự thảo được rà soát, sửa đổi theo hướng: Chế độ ưu đãi người có công với cách mạng là sự tri ân những người có công với cách mạng, với đất nước nên phải tương xứng, cao hơn các chế độ bảo trợ xã hội khác; chế độ ưu đãi phải xứng đáng với công lao, cống hiến theo từng diện đối tượng, không cào bằng; kế thừa các chế độ trợ cấp, phụ cấp, ưu đãi hiện hành mà người có công đang hưởng và bổ sung các ưu đãi mới như trợ cấp tuất định suất các liệt sĩ, trợ cấp hằng tháng đối với người làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù đày sau năm 1975, trợ cấp hằng tháng và bảo hiểm y tế đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá, trợ cấp một lần đối với thân nhân người có công giúp đỡ cách mạng đã chết mà chưa hưởng chế độ.
Thẩm tra về dự án Pháp lệnh này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định, Ủy ban nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng cũng như tên gọi của dự án Pháp lệnh như dự thảo Chính phủ trình là: Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
Kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh: Pháp lệnh có ý nghĩa chính trị xã hội sâu sắc, có tác động đến tình cảm, tâm lí trách nhiệm của Nhân dân với người có công với đất nước. Đây là nội dung quan trọng được Chính phủ quan tâm trong những năm qua, đặc biệt là trong năm nay.
Qua lần chỉnh sửa Pháp lệnh này, nhiều nội dung được tiếp thu, hoàn thiện như: Nhà ở cho người có công, chính sách quy tập mộ liệt sĩ, chính sách cho thanh niên xung phong... được các cấp, các ngành và địa phương triển khai rất bài bản, có tác động sâu sắc, tri ân các gia đình chính sách.
Đây cũng là sự tri ân những người có công với cách mạng, với đất nước nên phải tương xứng, cao hơn các chế độ bảo trợ xã hội khác và phải xứng đáng với công lao, cống hiến theo từng diện đối tượng, không cào bằng...