Tư duy quản lí và cách nghĩ phục vụ
Trong mắt người già 14/07/2023 16:47
Điều này được minh chứng bởi các con số thống kê chính thống khá tin cậy: Theo Tổng cục Thống kê thì thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2022, theo giá hiện hành đạt 4,67 triệu đồng.
Còn theo cách tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người cho các nước trên thế giới năm 2022 thì GDP bình quân đầu người Việt Nam đạt khoảng 4.162,94 USD (hơn 98 triệu đồng/năm).
Trong khi đó, chuẩn hộ nghèo đang được áp dụng theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, mức thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn và từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị (cùng đáp ứng một số tiêu chí đa chiều) thì được xác định là hộ nghèo.
Phụ huynh học sinh xếp hàng thâu đêm tại một ngôi trường để đăng kí nhập học cho con |
Như vậy, nghèo vật chất xem như không tồn tại ở nước ta! Đó là cách tư duy quản lí tôi thử áp dụng theo tư duy của một quan chức ngành giáo dục tại TP Hà Nội.
Chẳng là vừa qua, sau sự việc hàng trăm phụ huynh học sinh xếp hàng thâu đêm tại một ngôi trường để đăng kí nhập học cho con em. Trước bức xúc của dư luận về thực trạng thiếu trầm trọng trường lớp cho học sinh, quan chức đầu ngành giáo dục Thủ đô tuyên bố rằng: “Chúng tôi khẳng định Hà Nội không thiếu chỗ học. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 2.845 trường học, trong đó 79% là trường công. Các trường học trên địa bàn đáp ứng nhu cầu học tập cho 2,3 triệu học sinh Thủ đô”.
Phát ngôn của lãnh đạo trên khiến dư luận càng sôi nổi tranh luận, có người cho rằng có thể nhiều trường lớp ở các xã vùng núi Ba Vì chưa đủ học sinh, sĩ số thấp nên trống nhiều chỗ. Vấn đề là học sinh nội thành không chịu lên đó nhập học mà thôi chứ đâu thiếu chỗ học!? Vậy là với cách tính bình quân, Hà Nội không thiếu chỗ học!
Tuy nhiên, nói gì thì nói cũng không thể quy hết trách nhiệm thiếu trường học cho lãnh đạo ngành Giáo dục. Các ngành khác, nhất là ngành Xây dựng khi đang để việc phát triển bất động sản một cách lệch lạc. Chỉ cần vài ba tòa chung cư 30-40 tầng mọc lên trên địa bàn một phường là dân số đã có thể tăng lên gấp đôi. Đố ai tìm được các doanh nghiệp xây chung cư ấy lại xây cả trường học, dù là trường mẫu giáo trong khi trên địa bàn mỗi phường đâu chỉ có trường mẫu giáo? Song, đổ hết lỗi cho ngành Xây dựng cũng lại chưa đủ vì họ đâu có thể quyết định được việc xây bao nhiêu chung cư, xây bao nhiêu tầng? Người quyết định quy hoạch xây dựng cuối cùng phải là lãnh đạo thành phố.
Nếu lãnh đạo các cấp, các ngành có tư duy phục vụ người dân thì luôn phải có những cân nhắc thấu đáo để mỗi quyết sách đưa ra không phiến diện, lường trước được những hệ quả mà người dân có thể sẽ phải gánh chịu.
Hà Nội thiếu trường lớp là hệ quả của một thời gian dài phát triển đô thị chỉ nghĩ đến cái được và cái lợi nhãn tiền.