Từ “dân số vàng” đến “già hóa dân số”
Đời sống 10/07/2021 11:00
Sự gia tăng dân số của nước ta trong các thập niên cuối của thế kỉ XX là một trong những nguyên nhân quan trọng cản trở tốc độ phát triển kinh tế xã hội, gây khó khăn trong việc cải thiện đời sống, hạn chế điều kiện phát triển về mặt trí tuệ, văn hóa và chất lượng của giống nòi. Tuy nhiên nếu biết tận dụng tốt thời kì “Dân số vàng” cùng các chiến lược phát triển kinh tế và chính sách dân số hợp lí sẽ tạo ra nhiều thuận lợi để phát triển sản xuất, ổn định xã hội.
Nước ta đã đạt được những thành tựu khả quan trong việc thực hiện chiến lược dân số, kế hoạch hóa gia đình lần thứ nhất (1993-2000) và kết thúc chiến lược dân số Việt Nam giai đoạn 2001-2010 cách đây hơn 10 năm. Từ năm 2000 - 2021, mức sinh thay thế (2,1 con) đã xuất hiện ở hầu hết ở các địa phương trong cả nước. Theo số liệu Tổng Cục Thống kê và Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thì mức sinh ở nước ta đã giảm mạnh trong 2 thập kỉ đầu tiên của thế kỉ XXI. Tốc độ gia tăng dân số về cơ bản đã được đẩy lùi. Tuy nhiên, do quy mô dân số khá lớn và vấn nạn gia tăng dân số cơ học, tỉ lệ phân bố dân số không đồng đều giữa các vùng miền trong cả nước đã đặt ra những thách thức lớn cho sự phát triển của đất nước.
Chăm sóc người cao tuổi |
Hiện nay nhiều vùng đô thị như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và một số tỉnh thành có khu công nghiệp đang phải chịu sức ép của sự gia tăng dân số cơ học trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhà nước phải liên tục tạo việc làm cho hàng triệu người đến tuổi lao động hằng năm, ban hành chính sách chăm sóc khoảng 1,5 - 2,5 triệu trẻ em ra đời hằng năm, trong khi vấn đề đầu tư phát triển kinh tế xã hội còn rất khó khăn. Đặc biệt là ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, chiến tranh thương mại và bảo hộ mậu dịch và từ cuối năm 2019 đến nay bị đại dịch Covid-19 hoành hành, tàn phá kinh tế càng làm cho khả năng giải quyết vấn nạn người thất nghiệp trở nên bức xúc hơn bao giờ hết.
Nạn thất nghiệp trong các năm 2020 - 2021 đang là vấn đề bức xúc đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Đói nghèo và dịch bệnh được xem là lực cản kìm hãm sự phát triển nói chung. Mức xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam hiện đã được các tổ chức Quốc tế như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới đánh giá cao trong các năm qua tuy nhiên về mức độ phát triển nói chung của nước ta vẫn chưa được như mong muốn của các nhà quản lí, lãnh đạo…
Việt Nam đang chứng kiến thay đổi nhanh về cơ cấu dân số và xã hội. Dân số Việt Nam đã lên đến 96,5 triệu vào năm 2019 (từ khoảng 60 triệu năm 1986) và dự kiến sẽ tăng lên 120 triệu dân tới năm 2050. Theo kết quả Tổng điều tra dân số Việt Nam năm 2019, 55,5% dân số có độ tuổi dưới 35, với tuổi thọ trung bình gần 75 tuổi, cao hơn những nước có thu nhập tương đương trong khu vực. Nhưng dân số đang bị già hóa nhanh. Tầng lớp trung lưu đang hình thành - hiện chiếm 13% dân số và dự kiến sẽ lên đến 26% vào năm 2026. Chỉ số Vốn nhân lực của Việt Nam là 0.69. Điều đó có nghĩa là một em bé Việt Nam được sinh ra ở thời điểm hiện nay khi lớn lên sẽ đạt mức năng suất bằng 69% so với cũng đứa trẻ đó được học tập và chăm sóc sức khỏe đầy đủ. Đây là mức cao hơn mức trung bình của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và các nước có thu nhập trung bình thấp hơn. Mặc dù chỉ số Vốn nhân lực của Việt Nam tăng từ 0,66 lên 0,69 từ năm 2010 đến 2020 Việt Nam, còn tồn tại sự chênh lệch trong nội bộ quốc gia, đặc biệt là đối với nhóm các dân tộc thiểu số.
Còn theo Tạp chí Di cư toàn cầu xuất bản quý II/2019, mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam xếp thứ 129 với mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.104 USD/năm. Đói nghèo là một hiện tượng kinh tế xã hội phức tạp. Sự phát triển kinh tế thị trường hiện nay đã làm cho khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ở nước ta ngày càng tăng lên. Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới mức sống người dân nhiều vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, vất vả…
Tuy vậy, những thành tựu của công cuộc đổi mới và phát triển nước ta trong các năm qua cũng đã ít nhiều góp phần nâng chỉ số phát triển của con người (HDI) cao hơn nhóm nước cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Việt Nam là quốc gia có quy mô dân số lớn thứ hai Đông Nam Á và đứng thứ 13 trên thế giới. Vì thế với quy mô dân số như hiện nay cộng với chất lượng dân số còn thấp, luôn là trở ngại cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Từ giữa thế kỉ XX đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc hoạch định và thực thi chính sách dân số quốc gia, nhằm giảm mức sinh, mức tử, nâng cao chất lượng dân số và phân bổ dân cư hợp lí. Qua gần 2 thập niên đầu của thế kỉ XXI, nước ta hiện đã phấn đấu giảm hàng trăm ngàn hộ nghèo, tạo việc làm mới cho 1,3 - 1,4 triệu người lao động. Nhiều địa phương trong cả nước đã hoàn thành tốt chương trình xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động bằng các chính sách kinh tế mở, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Để thực hiện các mục tiêu kế hoạch ấy, chúng ta tiếp tục thực hiện Chương trình dân số - Kế hoạch hóa gia đình, thực thi các chính sách nâng cao chất lượng dân số, kết hợp với khuyến khích phát triển sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ người nghèo, xã nghèo về y tế, giáo dục, an sinh xã hội cho cả nước, tin chắc tương lai không xa, Việt Nam sẽ phát triển tốt hơn...