Từ chuyện ông bà chăm cháu ở bệnh viện
Đời sống 24/05/2024 11:08
Vượt chặng đường hơn 300km từ bản Huồi Cáng 2, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, vợ chồng ông Cụt Phò Khỏe đưa cháu nội Cụt Thành Lương (2 tuổi) xuống TP Vinh chữa bệnh. Tuổi đã hơn 70 nhưng vẫn phải vào bệnh viện chăm cháu, ông Khỏe cho biết: “Tôi đã một vài lần đưa cháu đi bệnh viện tuyến huyện nhưng đây là lần đầu tiên đến bệnh viện tuyến tỉnh để chữa bệnh cho cháu trai”.
Lúc mất điện bà quạt mát cho cháu. |
Hành trang mà ông bà nội của bé Cụt Thành Lương mang theo chỉ là vài triệu đồng, vài ba bộ quần áo đã sờn cũ và một thùng giấy đựng khá nhiều bánh gói, để dành ăn từng ngày trong “hành trình” chữa bệnh cho cháu chưa hẹn ngày về.
Ngày đầu tiên ở trong bệnh viện, những người thăm nuôi bệnh nhi phòng 702 ngỡ ngàng vì sự “ngây ngô” của vợ chồng ông Khỏe. Vài lần thấy bé Lương sốt, co giật mà ông bà vẫn không hề phản ứng gì, không biết đi gọi ý tá cấp cứu cho cháu mình. Rồi khi bé Lương quấy khóc mà không có lấy một hộp sữa để uống. Ông Khỏe cho biết, bố mẹ cháu đã mất, để lại cháu cho ông bà nuôi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cháu suy dinh dưỡng và cũng hay ốm đau. Đợt này ốm quá nên bệnh viện huyện nói phải đưa đến bệnh viện tỉnh để chữa trị.
Bà Nguyễn Thị Huệ, 65 tuổi, ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn chia sẻ: “Tôi có ba người con trai đều đã lập gia đình và có con. Tôi ở với gia đình con trai út. Bình thường ở nhà tôi vẫn trông cháu cho các con đi làm. Đợt này, cháu bị viêm phổi, bố cháu đang đi lao động ở nước ngoài, mẹ cháu thì đang có em bé nhỏ nên tôi vào viện trông cháu, chỉ mong sao cháu nhanh khỏi để về nhà còn phụ việc cho các cháu trên nhà nữa”.
Khi cháu sốt cao bà bồng cháu cả ngày lẫn đêm. |
Còn bà Vinh, 70 tuổi, ở xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên có cháu điều trị cùng phòng với bà Huệ cho biết: “Công việc thường ngày của tôi là buổi sáng đi chợ, rồi về lo cơm nước, giặt quần áo cùng các việc lắt vặt khác trong nhà. Khi tôi đi chợ thì chồng tôi (76 tuổi) trông cháu. Cảm giác mỗi khi đi chợ về có cháu chạy ùa ra đón, ôm, thơm má thật là hạnh phúc. Vì ý thức cần phải thiết lập giờ giấc ăn ngủ khoa học cho cháu nên vợ chồng tôi cũng sinh hoạt rất điều độ, sáng 6 giờ dậy, trưa 11 giờ ăn cơm, bữa tối thì cả nhà quây quần. Đến chiều chiều chúng tôi cho cháu ra sân chơi, cháu đạp xe còn ông bà đi thể dục, gặp gỡ bạn bè rất vui. Do chúng tôi chăm cháu tốt nên cháu tăng cân đều, ngoan ngoãn nên vợ chồng con trai tôi yên tâm đi làm. Tôi cũng thường xuyên lên mạng đọc sách nuôi dạy trẻ nhỏ, vì thế mà tôi và con dâu rất đồng lòng trong việc chăm cháu, không hề có sự khác biệt giữa hai thế hệ như nhiều người vẫn nói. Giờ cháu ốm, tôi lại vào viện để chăm cháu cho con dâu và con trai đi làm. Còn chồng tôi thì ở nhà dọn dẹp nhà cửa”.
Bà Vinh tâm sự thêm: Nhiều người nói chăm cháu mệt, vất vả... nhưng tôi chỉ mong được trông cháu, được vất vả để nhìn các cháu lớn lên. Ở tuổi già, được quây quần, lo lắng từng bữa cơm, chiếc áo mặc cho cháu mới là niềm hạnh phúc. Cha mẹ già cần nhìn thấy con cháu sum họp đầy đủ trong những ngày lễ Tết. Đó là niềm vui, sợi dây gắn kết tình cảm và sự quan tâm, sẻ chia lúc tuổi già.
Ông vỗ về cháu khi cháu mệt. |
Trường hợp của cháu Minh Tâm, 2 tuổi, bố mẹ li hôn không ai chịu nuôi nên cháu ở với ông bà ngoại. Ông bà năm nay cũng đã gần 80 tuổi, cũng đau ốm triền miên. Đợt rồi trời nắng nóng, cháu bị tiêu chảy nên phải nhập viện khoa tiêu hóa. Hai ông bà thay nhau chăm cháu. Do hoàn cảnh khó khăn, để có tiền mua sữa cho cháu, hai ông bà ăn chung một suất cơm. Bà ngoại cháu Minh Tâm chia sẻ, bà chỉ mong sao trời đất phù hộ để khỏe mạnh còn nuôi cháu cho cháu lớn khôn. Thân già như ngọn đèn trước gió, không biết khi đó cháu sẽ ra sao.
Thế mới biết, trong hoàn cảnh nào người cao tuổi vẫn luôn góp sức mình có ích cho gia đình, luôn là điểm tựa cho con cháu mỗi ngày. Người cao tuổi có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, chuẩn mực. Một xã hội phát triển không thể thiếu những đóng góp quan trọng của người cao tuổi. Câu hát ru của bà, cái ôm vỗ về của ông sẽ theo con cháu lớn lên hằng ngày. Ở đâu, hoàn cảnh nào ông bà vẫn luôn là điểm tựa vững chắc của mỗi gia đình.