Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh: Như một gia đình lớn
Đời sống 08/10/2020 09:54
Người được nuôi dưỡng tại đây hầu hết già cả, cô đơn không nơi nương tựa, được Nhà nước đài thọ 100% ăn ở, sinh hoạt phí theo sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thời giá thị trường.
Giám đốc Trung tâm Phạm Minh Tứ cho biết, Trung tâm có diện tích 1,5ha. Cơ sở vật chất ngày càng được nâng cấp. Hiện có một lô nhà 2 tầng là văn phòng làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Hội trường và nhà ăn đủ chỗ phục vụ 100 người. 4 lô nhà cấp 4, quy mô nuôi dưỡng 120 người và 1 dãy nhà tiếp nhận đối tượng tự nguyện từ 20 - 35 người. Các phòng được trang bị tủ, bàn ghế, giường nằm cá nhân, quạt trần... Phòng cho đối tượng còn minh mẫn, không bị mù loà được trang bị ti-vi. Trung tâm có các thiết bị xoa bóp, máy đi bộ, tập xương khớp... để mọi người phục hồi chức năng, rèn luyện sức khỏe. Toàn bộ khuôn viên được chia thành khu vui chơi, giải trí; khu luyện tập; khu trồng cây ăn quả, trồng hoa, trồng rau... đường đi trong khuôn viên được lát gạch. Các đối tượng tự giác tổng vệ sinh vào buổi sáng, tưới cây buổi chiều nên cảnh quan luôn sạch, đẹp.
Các đối tượng người cao tuổi đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh tập điệu nhảy cổ động phòng, chống dịch Covid-19 trên nền nhạc bài hát Việt Nam ơi. |
Hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng 77 đối tượng, người cao tuổi nhất trên 90, 16 người từ 60 - 70 tuổi, 25 người từ 71 tuổi trở lên. Đặc biệt có 57 người khuyết tật, hơn 20 người bị bệnh tâm thần, phải đưa đi Quang Hanh, cách 30km để khám và nhận thuốc định kì. Người ở Trung tâm lâu nhất là cụ Đỗ Văn Bát, 88 tuổi, vào đây từ năm 1986. Cụ bảo: “Trung tâm như một gia đình lớn, nhiều NCT, bệnh tật, nhưng được cán bộ, nhân viên coi như người thân, luôn vui vẻ, nhiệt tình, chăm sóc chu đáo. Khi ốm đau được chữa trị tận tình. Khi mất được lo mồ yên, mả đẹp, được thờ cúng, người già chúng tôi rất yên tâm”.
Hiện nay Trung tâm đang thí điểm nhận 28 đối tượng tự nguyện. Tiêu chuẩn nuôi dưỡng khá cao. Riêng NCT, khuyết tật được Nhà nước đài thọ 2 triệu đồng/người/tháng. Đối tượng tự nguyện, nếu tự phục vụ sinh hoạt cá nhân thì đóng góp 4,6 triệu đồng/người/tháng; không tự phục vụ được thì đóng góp 5,4 triệu đồng/người/tháng. Theo ông Phạm Minh Tứ, với mức đóng góp này, những người công tác từ thời bao cấp, thu nhập thấp, nếu không có hỗ trợ của người thân thì khó có khả năng thực hiện. Bởi vậy, nhiều người có nguyện vọng, nhưng không đủ khả năng tài chính, nên Trung tâm chưa mở rộng được.
Ông cũng cho biết, là Trung tâm Bảo trợ người già cô đơn có thâm niên và duy nhất của tỉnh, nên lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm rất quan tâm. Hằng năm, vào dịp lễ, tết, ngày truyền thống NCT (6/6), ngày Quốc tế NCT (1/10), NCT ở Trung tâm đều được thăm hỏi, động viên, tặng quà. Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về “Tháng hành động vì NCT”, hằng năm Trung tâm nhận được sự quan tâm nhiều hơn.
Năm 2020, có đại dịch Covid-19, đối tượng NCT hầu hết có bệnh nền, sức đề kháng yếu, dễ lây lan dịch, nên Trung tâm hạn chế các hoạt động. Tuy nhiên, hưởng ứng “Tháng hành động vì NCT”, Trung tâm phổ biến cho đối tượng cách phòng chống dịch, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, vệ sinh cá nhân, quét dọn phòng ở và khuôn viên, ăn, ngủ đúng giờ, không tụ tập nhiều người, tránh ra ngoài...
Cán bộ, nhân viên đề cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra nhắc nhở, đồng thời tổ chức chu đáo, an toàn việc đón tiếp các tổ chức, cá nhân đến thăm, tặng quà. Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức sinh hoạt văn nghệ, mừng thọ các cụ trang trọng, chu đáo, ấm áp.