Trọng trách của các nước đang phát triển
Quốc tế 06/01/2024 12:41
Phát biểu tại Hội nghị quan chức cấp cao (Sherpa) của G20 tại Brasilia hôm 13/12 vừa qua, mở đầu chuỗi hoạt động năm Chủ tịch G20 của Brazil, Tổng thống Lula da Silva nhấn mạnh 3 ưu tiên trong chương trình nghị sự quốc tế gồm: Hòa nhập xã hội và chống nạn đói; chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững; và cải cách các thể chế quản trị toàn cầu. Nhà lãnh đạo Brazil kêu gọi tăng cường đại diện của các nước đang phát triển và mới nổi trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tại Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Với chủ đề "Xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh bền vững", Tổng thống Brazil muốn khẳng định cam kết và mong muốn của nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh thúc đẩy những thỏa thuận công bằng, phục vụ phát triển kinh tế và xã hội toàn cầu. Đồng thời, khẳng định Brazil sẽ nỗ lực để tạo ra những thay đổi sâu sắc phục vụ phát triển hệ thống phúc lợi xã hội, thịnh vượng và môi trường bền vững cho tất cả các công dân trên thế giới, cũng như thúc đẩy nền kinh tế carbon thấp trên toàn cầu và cuộc cách mạng kĩ thuật số.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch G20 năm 2024 |
Liên quan đến cải cách hệ thống quản trị toàn cầu, một trục ưu tiên khác của nhiệm kì Chủ tịch G20 của Brazil, Tổng thống Lula da Silva đề xuất xem xét “nghiêm túc” về tính lỗi thời của các thể chế quản trị toàn cầu và cải thiện cơ chế tài trợ chống biến đổi khí hậu trong bối cảnh các nước đang phát triển gặp rất nhiều trở ngại để tiếp cận nguồn vốn này.
Đại sứ Maurício Lyrio, Thứ trưởng phụ trách Kinh tế và Tài chính Bộ Ngoại giao Brazil, bày tỏ vai trò và vị thế của Brazil trên thế giới sẽ được củng cố với cương vị Chủ tịch G20 và sẽ đảm nhiệm tốt trọng trách này bởi có quan hệ tốt với tất cả các nước thành viên. Theo Giáo sư Marianna Albuquerque, giảng viên Viện Quan hệ Quốc tế và Quốc phòng Đại học Liên bang Río de Janeiro, trong lúc tiến trình hội nhập ở Mỹ Latinh còn khá xa vời, việc Brazil lần đầu đảm nhiệm chức Chủ tịch G20, cùng với sự hiện diện của Mexico và Argentina trong nhóm này, có thể sẽ là cơ hội “duy nhất” để thúc đẩy tầm ảnh hưởng của khu vực đối với thế giới.
Giáo sư Albuquerque nhận định việc AU, với hơn 50 quốc gia, đã trở thành thành viên thường trực của G20 từ năm ngoái, cùng với việc Brazil mở rộng thành phần khách mời tới Liên minh V20 (gồm 20 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu), là cơ hội tốt để đông đảo đại diện các nước đang phát triển có tiếng nói trong việc giải quyết những vấn đề toàn cầu. Bản thân trật tự thế giới đang trong quá trình chuyển đổi và G20 cần phải chuyển động theo thời đại để tránh lỗi thời.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước đối với Brazil, bởi thời điểm hiện tại thế giới vẫn ngổn ngang nhiều khó khăn như những tác động tiêu cực kéo dài của đại dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị, xung đột vũ trang ở nhiều nơi, đà phục hồi kinh tế đang chậm lại, biến đổi khí hậu đe dọa an ninh lương thực toàn cầu và áp lực nợ tại nhiều quốc gia. Xung đột, dịch bệnh, biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tiếp tục tạo ra những cú sốc nghiêm trọng, đặc biệt, tình trạng mất an ninh lương thực đã ở mức độ khẩn cấp. Trong bối cảnh đó, tối ưu nguồn sức mạnh của các tổ chức đa phương được xem là giải pháp hữu hiệu để toàn cầu phục hồi.
Trong các tổ chức đa phương có tầm ảnh hưởng hàng đầu, với quy mô 60% dân số thế giới, G20 không chỉ là nhóm các nền kinh tế lớn nhất, quy tụ 80% GDP thế giới và chiếm 75% xuất khẩu, mà còn là một nguồn lực trọng yếu, có tác động tới cả thế giới. Đây cũng là diễn đàn chính trị và kinh tế có khả năng tác động và ảnh hưởng nhất đến các chương trình nghị sự quốc tế. Do vậy, trọng trách Chủ tịch G20 càng đè nặng lên Brazil...