Trăn trở và tâm nguyện của người cao tuổi
Vấn đề hôm nay 08/04/2023 08:36
Ông Hoàng Đức Quế |
PV: Xin ông cho biết tình hình triển khai và kết quả nổi bật của tỉnh Yên Bái trong thực hiện Đề án 1336 của Chính phủ?
Ông Hoàng Đức Quế: Thực hiện Quyết định số 1336 ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình CLB LTHTGN giai đoạn đến năm 2025, Hội NCT tỉnh đã phối hợp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng được Hội NCT các cấp xây dựng thành chương trình, kế hoạch thực hiện trong từng năm và cả nhiệm kì. Đồng thời sau mỗi năm đều tổ chức hội nghị kiểm điểm, đánh giá kết quả đạt được, những mặt tồn tại hạn chế, rút ra những bài học kinh nghiệm để làm tiền đề cho việc triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo trên địa bàn toàn tỉnh.
Căn cứ vào Quyết định số 1336 của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 725 ngày 28/4/2021 về việc nhân rộng mô hình CLB LTHTGN giai đoạn đến năm 2025. Trong quyết định UBND tỉnh đã chỉ rõ các nhiệm vụ cần phải làm xác định nguồn kinh phí của địa phương chi cho công tác tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và công tác kiểm tra giám sát của từng năm trong cả giai đoạn đến 2025.
Tuy nhiên, Yên Bái triển khai Đề án muộn hơn các tỉnh khác trong cả nước, là tỉnh miền núi nghèo, kinh tế chậm phát triển, mức thu nhập bình quân còn thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Các huyện nghèo vùng cao, vùng sâu vùng xa có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, việc hỗ trợ vốn ban đầu giai đoạn đầu còn thấp (chỉ 5 triệu đồng), và trong giai đoạn đến năm 2025 tỉnh không hỗ trợ vốn ban đầu nữa. Để có đủ nguồn lực đảm bảo cho ra mắt thành lập CLB hoàn toàn trông chờ vào công tác xã hội hóa và bằng sự đóng góp của các thành viên CLB. Bởi vậy nên đã gần 10 năm trôi qua, toàn tỉnh mới ra mắt thành lập được 39 CLB, trong đó huyện Mù Cang Chải chưa có CLB nào, huyện Trạm Tấu mới ra mắt được 1 CLB, 7 huyện, thị xã, thành phố còn lại tốc độ ra mắt thành lập còn rất chậm, có năm không ra mắt thành lập được CLB nào.
Hội NCT tỉnh Yên Bái kí kết chương trình phối hợp với Bệnh viên Đa khoa Hữu nghị 103 |
Chất lượng hoạt động của các CLB đã thành lập cũng chưa thực sự tốt, hiệu quả chưa cao. Theo hướng dẫn về các nội dung hoạt động của CLB (có 8 mảng hoạt động) nhưng một số CLB chưa đủ điều kiện để triển khai hết tất cả các nội dung mà chỉ lựa chọn các nhiệm vụ phù hợp và có điều kiện thực hiện để triển khai trước. Trong đó, hoạt động tăng thu nhập cho hội viên, do vốn ban đều ít nên triển khai rất chậm. Yên Bái xác định điều kiện ra mắt CLB với vốn ban đầu từ 20 triệu đồng trở lên. Trong số các CLB đã được ra mắt chưa có CLB nào có vốn ban đầu đầu đến 200 triệu đồng.
Việc tăng cường bổ sung nguồn lực từ bên ngoài cho các CLB sau khi ra mắt đi vào hoạt động hầu như không có, chủ yếu trông chờ vào nội lực sẵn có và sự năng động sáng tạo của các thành viên CLB là chính. Sự ảnh hưởng, lan tỏa của CLB trên địa bàn tỉnh chưa cao nên chưa thu hút được sự quan tâm của cộng đồng.
Tặng quà NCT hoàn cảnh khó khăn tỉnh Yên Bái |
PV: Việc thực hiện Đề án 1336 có những thuận lợi, khó khăn gì? Ông có kiến nghị gì với các cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn đó?
Ông Hoàng Đức Quế: Việc thực hiện Đề án 1336 có một số thuận lợi và khó khăn sau đây:
Về thuận lợi, Đề án được sự lãnh đạo thống nhất từ trung ương đến cơ sở về quan điểm chủ trương, chính sách. Được sự quan tâm vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, sự gắn kết của các đoàn thể chính trị xã hội. Có đội ngũ làm công tác NCT am hiểu, hăng say, nhiệt tình, tâm huyết. Đặc biệt là sự ủng hộ của đông đảo lực lượng NCT trên địa bàn.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn nhất định. Thứ nhất, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, cán bộ quản lí ở một số địa phương chưa nhận thức được đầy đủ và đúng đắn về vai trò, vị trí của tổ chức Hội NCT và NCT nên thiếu sự quan tâm, đầu tư, giúp đỡ dẫn đến các chế độ chính sách đối với NCT chưa được triển khai kịp thời. Thứ hai, hệ thống bộ máy NCT từ trung ương đến địa phương chưa thống nhất, đồng bộ 4 cấp. Ở Yên Bái cấp tỉnh, cấp huyện chưa là Hội mà là BĐD nên hoạt động còn nhiều vướng mắc, hạn chế; việc kiện toàn bộ máy thiếu chủ động nên chất lượng các thành viên BĐD còn nhiều bất cập, hiệu quả hoạt động chưa cao và rất dễ thay đổi. Thứ ba, chế độ đãi ngộ đối với người làm công tác Hội NCT ở các địa phương không giống nhau; việc đầu tư hỗ trợ của các địa phương cho công tác Hội NCT không thống nhất, có nơi chỗ làm việc của Hội còn tạm bợ, chưa có trụ sở làm việc riêng còn phải ở nhờ các cơ quan khác, không có điều kiện để tổ chức họp hành, hội nghị, hội thảo, tập huấn tất cả đều phải thuê mướn… trong khi kinh phí rất hạn hẹp.
Chúng tôi đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh và các địa phương quan tâm hỗ trợ 1 phần kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ đặc thù như họp BĐD, họp sơ kết 6 tháng, hội nghị tổng kết năm, tham gia hội nghị tổng kết năm của Ban Chấp hành Trung ương Hội, kiểm tra giám sát đối với BĐD và Hội cấp dưới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông Hoàng Đức Quế!