Trách nhiệm pháp lí trong vụ xác nhận “chưa kết hôn” tại tỉnh Hà Tĩnh
Pháp luật - Bạn đọc 13/05/2023 09:29
Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là sự việc hi hữu hiếm gặp, là việc làm tắc trách của cán bộ tư pháp hộ tịch khi kiểm tra hồ sơ và trình lãnh đạo UBND xã kí, vị cán bộ công chức tư pháp hộ tịch đã không làm đúng trình tự và thủ tục nên dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Đối với UBND xã, đó là lỗi hành chính nhưng hậu quả đưa đến rất nặng nề đó là vô tình trường hợp kết hôn đúng pháp luật gia đình tan vỡ, con cái không còn chỗ nương tựa, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Ngoài ra, nguyên nhân một phần còn do người vợ không chung thủy và biết mình chưa li hôn nhưng có hành vi kết hôn trái pháp luật.
“Tôi cho rằng cần xem xét trách nhiệm pháp lí phía UBND đối với công chức và lãnh đạo để có hình thức kỉ luật phù hợp theo quy định tại Nghị định 112/2020/NĐ-CP của Chính phủ”, luật sư Đồng nêu quan điểm.
Nếu chính quyền đã nhận thức được lỗi của mình thì cần phối hợp với Tòa án tiến hành hủy hôn nhân trái pháp luật nêu trên. Đồng thời xem xét đánh giá nhận thức của người phụ nữ nếu đủ căn cứ cho thấy người vợ biết việc mình kết hôn là trái pháp luật thì có thể xử lí người vợ. Bởi hành vi này xâm phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng được pháp luật quy định.
Trường hợp hành vi của người vợ chưa đến mức phải xử lí hình sự thì có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b, c, Khoản 1 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định về kết hôn, li hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng quy định:
“Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, li hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở li hôn”
Khi đang có vợ có chồng mà chung sống như vợ chồng với một người khác thì có thể bị xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Nếu hành vi của người vợ để lại hậu quả nghiêm trọng đến mức phải xử lí hình sự, thì người vợ sẽ bị theo Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng quy định:
“Điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng
1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm:
a) Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến li hôn;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.
Có thể thấy, tùy vào mức độ vi phạm, hành vi chung sống như vợ chồng trái pháp luật có thể bị xử lí vi phạm hành chính hoặc xử lí hình sự theo quy định trên. Đối với cán bộ tư pháp và lãnh đạo UBND cấp xã cần nghiêm khắc xử lí kỉ luật cán bộ thiếu trách nhiệm để xảy ra sai phạm.