TP.Hồ Chí Minh: Tổ chức khoá tập huấn phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ
Sức khỏe 26/11/2020 07:58
Giảng viên của khoá tập huấn là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực điều trị đột quỵ đã được tập huấn đào tạo tại Cộng Hoà Áo.
|
Được biết, phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ là hoạt động đào tạo do chương trình Avant, hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hoà Áo cùng thực hiện, với mong muốn chung tay cùng ngành y tế Việt Nam đưa bệnh nhân đột quỵ trở về cuộc sống bình thường. Trong đó, phía Áo có Bệnh viện Bad Pirawarth, Bệnh viện Christian Doppler và Ever Pharma Austria; phía Việt Nam có Tổng hội Y học Việt Nam, Hội PHCN Việt Nam và Ever Pharma Vietnam.
GS.TS.BS Trương Quang Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh phát biểu: Đột quỵ não còn để lại các biến chứng rất nguy hiểm như rối loạn nuốt gây nguy cơ sặc; viêm phổi, nhiễm trùng, loét da, viêm tắc mạch máu; đại tiểu tiện không tự chủ và suy dinh dưỡng…Từ một người bình thường khi trải qua cơn đột quỵ não họ trở thành tàn phế, không còn khả năng tự chăm sóc bản thân; là gánh nặng cho chính bản thân, gia đình và xã hội. "Tất nhiên phòng ngừa đừng để đột quỵ tiên phát là điều quan trọng. Nhưng một khi đã bị đột quỵ thì ngoài việc điều trị tái thông máu cứu sống người bệnh, cần có các giải pháp phòng ngừa đột quỵ thứ phát và sau đó là cả quá trình phục hồi chức năng giúp người bệnh hòa nhập cuộc sống một cách tốt nhất", ông Bình nhấn mạnh.
Hơn 4.000 bác sĩ, nhân viên kỹ thuật được tập huấn
TS.BS Lê Văn Tuấn, Chủ nhiệm Bộ môn Nội Thần kinh Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh, Phó trưởng khoa Nội Thần kinh BV Chợ Rẫy nói về mục đích ý nghĩa của chương trình: “Chương trình đào tạo đội ngũ đa chuyên ngành, gồm các bác sĩ, kỹ thuật viên tại các Trung tâm đột quỵ và khoa phòng chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại các bệnh viện. Đây là cánh cửa cho các bác sĩ, kỹ thuật viên, và sau đó là người chăm sóc bệnh nhân có nhu cầu được học các kiến thức về phục hồi chức năng sau đột quỵ đều có thể đăng ký học”.
“Nội dung giảng dạy của chương trình được xây dựng bởi Tổ chức đột quỵ thế giới và các giáo sư hàng đầu Việt Nam, được sự phê duyệt của Bộ Y tế. Trong vòng 3 năm qua, từ 2017 – 2020, đã có 63 lớp dành cho các cán bộ y tế đến từ 650 BV thuộc 59 tỉnh thành trên cả nước với hơn 4340 bác sĩ, kỹ thuật viên đã hoàn thành khoá học và được cấp chứng chỉ đào tạo liên tục, tương đương 48 giờ học quy đổi của Tổng hội Y học Việt Nam, Tổ chức đột quỵ thế giới và Hội Phục hồi chức năng Việt Nam. Trong đợt này, tổ chức khoá tập huấn từ ngày 23/11 đến hết ngày 26/11 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh ” – DS Lâm Thanh Hải, đại diện Ever Pharma Việt Nam cho biết.
TS.BS Lê Văn Tuấn cho biết: “Giai đoạn hồi phục đầu tiên là quan trọng nhất đối với bệnh nhân đột quỵ. Cho nên rất cần cho bệnh nhân ngồi dậy, bước ra khỏi giường, tham gia vận động ngay trong 24 giờ sau khi điều trị đột quỵ. Sau khi điều trị khoảng 3 tháng thì sẽ đến giai đoạn hồi phục nhanh. Từ sau 6 tháng thì tốc độ hồi phục sẽ chững lại. Mức độ hồi phục như thế nào còn tuỳ vào mức độ tổn thương ban đầu của bệnh nhân”.
Giảm nguy cơ tử vong cho người bệnh
BS. CKI Đinh Quang Thanh, Trưởng khoa Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TP.Hồ Chí Minh - đã chia sẻ, rối loạn nuốt là một thuật ngữ dùng để chỉ sự suy giảm hoặc rối loạn các giai đoạn miệng, hầu hoặc thực quản của quá trình nuốt. Tỷ lệ rối loạn nuốt ở bệnh nhân sau đột quỵ cấp từ 52%, sau một tuần là 25 - 30%.
BS Thanh phân tích: “Rối loạn nuốt là tình trạng xảy ra khi chất lỏng, thức ăn, nước bọt hoặc chất tiết không thể vận chuyển an toàn từ miệng qua thực quản xuống dạ dày gây ra hít sặc dẫn đến viêm phổi với tỉ lệ lên đến 70%, trong một số trường hợp nặng có thể gây tử vong. Vì vậy việc chẩn đoán và điều trị rối loạn nuốt ở bệnh nhân sau đột quỵ được coi là biện pháp làm giảm biến chứng cũng như tử vong”.
Chẩn đoán rối loạn nuốt phải dựa vào triệu chứng lâm sàng kết hợp với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh. Tuy nhiên để sàng lọc rối loạn nuốt có thể dựa vào các công cụ lượng giá lâm sàng như thang điểm GUSS hoặc thang điểm MASA.
"Điều trị rối loạn nuốt có nhiều phương pháp như các phương pháp bù trừ, các kỹ thuật phục hồi chức năng, các biện pháp can thiệp xâm nhập và điều trị ngoại khoa. Trong đó phục hồi chức năng nuốt được coi là phương pháp an toàn, hiệu quả cao, giúp ngăn ngừa các biến chứng và giảm tỉ lệ tử vong cho người bệnh” - BS Đinh Quang Thanh nhấn mạnh.
Ths.Lê Thị Hạ Quyên, Phó khoa phục hồi chức năng Bệnh viện Phục Hồi Chức Năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TP.Hồ Chí Minh hướng dẫn thực hành rối loại nuốt sau đột quỵ. |
Hình ảnh các cơ quan tham gia quá trình nuốt. |
Hướng dẫn thực hành phục hồi chức năng sau đột quỵ tại khoá tập huấn. |
Các triệu chứng rối loạn nuốt thường gặp
Qua phân tích của Bác sĩ, chỉ một vận động nuốt nhưng đây là một động tác nửa chủ động nửa tự động, đòi hỏi sự phối hợp nhiều nhóm cơ nhằm đẩy viên thức ăn từ miệng vào dạ dày.
Cụ thể, quá trình nuốt được chia ra thành 4 giai đoạn khác nhau, bao gồm giai đoạn chuẩn bị, với các hoạt động cắn, nhai, nghiền thức ăn để tạo thành viên thức ăn mềm, nhuyễn có thể nuốt được. Giai đoạn miệng là khi viên thức ăn kích thích vùng nhận cảm nuốt ở quanh vòm họng, đặc biệt trên các cột hạnh nhân (cột Amydal), xung động truyền về trung tâm nuốt ở hành não theo các sợi cảm giác của dây thần kinh số V và dây thần kinh số IX. Lưỡi đẩy viên thức ăn, ngụm nước uống ra sau để đưa vào vùng hầu.
Giai đoạn hầu được phân tích là vòm khẩu cái mềm được kéo lên trên để đóng lỗ mũi sau, ngăn sự trào ngược của thức ăn vào khoang mũi. Toàn bộ thành họng co lại đẩy viên thức ăn từ họng vào thực quản. Cuối cùng là giai đoạn thực quản với chức năng chủ yếu là đưa thức ăn từ họng vào dạ dày nhờ các sóng nhu động. Các sóng nhu động thực quản được chi phối bởi dây thần kinh số IX, dây thần kinh số X và đám rối Auerbach.
Bất kỳ sự rối loạn nào trong các giai đoạn nói trên đều dẫn đến rối loạn nuốt. Giai đoạn miệng với các triệu chứng tồn đọng thức ăn trong miệng, khiến chảy nước dãi, rơi vãi thức ăn; giai đoạn hầu thức ăn hoặc nước uống khó đi xuống dạ dày, dẫn đến một phần lọt vào các đường ngoài thực quản như khí quản, mũi; giai đoạn thực quản cảm giác thức ăn còn đọng lại ở cổ, dẫn tới viêm phổi, sụt cân không rõ nguyên nhân, thay đổi thói quen ăn uống của người bệnh.
Ths. Lê Thị Hạ Quyên, Phó khoa Phục hồi Chức năng Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.Hồ Chí Minh, cho biết: “Giai đoạn phục hồi rối loạn nuốt sau đột quỵ cấp phải kết hợp hai phương pháp, vừa dùng các thuốc dinh dưỡng thần kinh giúp đẩy mạnh tái cấu trúc não, kích thích tính mềm dẻo của thần kinh vừa sử dụng phương pháp phục hồi chức năng rối loạn nuốt (Vật lý trị liệu, liệu pháp phục hồi ngôn ngữ, vận động trị liệu,...) một cách hợp lý, cụ thể cho từng bệnh nhân. Nếu làm tốt, sẽ góp phần giảm thiếu các khiếm khuyết, biến chứng tái phát để người bệnh nâng cao khả năng sống độc lập, nâng cao chất lượng sống và sớm trở lại cuộc sống thường ngày”.