TP Hà Nội: Người dân phố cổ khắc phục khó khăn tích cực chống dịch
Xã hội 15/06/2021 08:54
Khó khăn đến… kiệt sức
Chưa bao giờ phố cổ Hà Nội đìu hiu vắng người đến vậy! Bà Hoàng Thị Xuân 78 tuổi phố Hàng Đào nói với chúng tôi như vậy. Quả thật nếu có thời gian ghé qua các phố cổ những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 sẽ thấy hàng loạt cửa hàng đóng cửa, đường phố vắng vẻ vì diễn biến dịch Covid -19 ngày càng phức tạp. Hơn một năm nay người phố cổ gồng mình chống dịch, nhiều người lo lắng, buồn bã hỏi: Bao giờ hết bệnh dịch? Nhưng không ai trả lời được câu hỏi ấy…
Theo chị Kim Anh, người vừa trả cửa hàng bán đồ thủ công mĩ nghệ trên phố Hàng Gai cho biết: “Tôi thấy các cửa hàng đóng cửa từ năm 2020 là may mắn. Tôi cố bám trụ đến tháng 3/2021 thì hụt hơi. Càng duy trì càng lỗ. Ai có nhà mặt phố còn khá, chứ đi thuê như tôi thì lỗ năng!”. Gần 20 năm bán các sản phẩm sơn mài và đồ thủ công mĩ nghệ ở phố cổ, giờ đây chị Kim Anh bảo phải nuốt nước mắt đóng cửa. Quanh quẩn ở nhà không biết làm gì kiếm sống, chị Kim Anh nhận nhặt lông tổ yến thuê cho người ta, được chừng 200 nghìn đồng/ngày, để sống qua ngày.
Ông Tân, quê Hà Nam ngồi gần chiếc xích lô chờ khách bên Hồ Gươm chờ khách cho biết: Đa số các cửa hàng còn trụ lại đến nay là cửa hàng của nhà, còn những người đi thuê không thể tồn tại bởi giá thuê ở đây rất khủng. Cửa hàng nhỏ chừng 20m2 cũng có giá 40 - 50 triệu đồng/tháng (lúc bình thường không có dịch).
NCT tuân thủ nghiêm đeo khẩu trang phòng chống dịch |
Là bà chủ có nhiều sản phẩm được khách du lịch nước ngoài ưa chuộng, từng có nhiều đơn hàng sang Mỹ, Canada, Autralia… bà Nguyễn Thị Nguyệt, chủ cửa hàng trên phố Hàng Trống chia sẻ: Năm 2020 dịch bệnh kéo dài, không có khách du lịch cũng không có đơn hàng từ nước ngoài tôi chuyển sang thị trường trong nước. Các sản phẩm thợ của tôi làm chủ yếu là chăn, ga, rèm, gối, khăn trải bàn… đều là hàng handmade. Nhiều sản phẩm bán cho các đại gia từ Hà Nội đến Sài Gòn. Thời gian cuối năm 2020, thấy thị trường có dấu hiệu ấm lên đã mừng, nhưng qua Tết dịch lại bùng phát, giờ tôi kiệt sức rồi. Chủ nhà giảm cho một nửa tiền thuê cửa hàng, nhưng vẫn không thể. Năm ngoái tôi phải bán mảnh đất ở quê hơn một tỉ để cầm cự, giờ tính vay tín dụng nhưng cũng khó tồn tại! Hai tháng nay chẳng có khách nào. Nhiều lúc muốn chuyển nghề, nhưng biết làm gì! Ngày xưa học đại học ngoại ngữ ra nhưng giờ cao tuổi làm sao theo được bọn trẻ mà đi dạy - Nói rồi bà cười buồn - Hơn nữa, những sản phẩm làm từ vải, tơ, nhung, lụa để lâu bị ẩm mốc là hỏng hết”.
Phố cổ Hà Nội bao năm qua luôn nhộn nhịp, bởi là nơi tập trung các hoạt động văn hóa quanh Hồ Gươm, tượng đài vua Lý Thái Tổ, phố sách Đinh Lễ; trung tâm thương mại Tràng Tiền, chợ Đồng Xuân… giờ vắng vẻ, hiu hắt. Dọc theo phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến các nhà hàng, quán bar cũng đóng cửa im ỉm.
Tích cực phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh
Có thể nói, khó khăn là vậy nhưng người dân quận Hoàn Kiếm luôn đồng hành cùng người dân cả nước có nhiều hoạt động và đóng góp tích cực trong các đợt đẩy lùi dịch bệnh. Thực hiện triệt để Chỉ thị số 15/CT-TTg 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ: Về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.
Khi các đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhất là khi xuất hiện ca dương tính đầu tháng 5, người dân Hoàn Kiếm nhanh chóng phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, người cao tuổi vận động cán bộ, hội viên phát huy vai trò “cây cao bóng cả”, gương mẫu chấp hành các quy định về phòng chống dịch; phát huy tinh thần “Chống dịch như chống giặc” và phương châm “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, luôn ghi nhớ và thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế). Đeo khẩu trang vải thường xuyên tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Vệ sinh các bề mặt, vật dụng hay tiếp xúc. Giữ vệ sinh cá nhân, lau rửa và để nhà cửa thông thoáng. Giữ khoảng cách khi tiếp xúc với người khác. Không tụ tập đông người. Thực hiện khai báo y tế để giúp truy vết khi có trường hợp lây nhiễm Covid-19. Khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở gọi điện cho đường dây nóng của Bộ Y tế.
Ông Vũ Hoàng Long, Trưởng ban Đại diện Hội NCT quận Hoàn Kiếm cho biết: “Ngoài công tác phòng chống dịch, hội viên NCT các cấp trong quận Hoàn Kiếm còn tích cực tham gia tuyên truyền, giám sát nâng cao ý thức phòng chống dịch cho người dân. Rà soát lập hồ sơ, danh sách để giúp đỡ những người hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch bệnh; vận động Nhân dân ủng hộ vật chất cho công tác phòng chống các đợt dịch. Qua đó, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội của quận Hoàn Kiếm nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung”.
Mặc dù gồng mình chống dịch, nhưng trong đợt bầu cử ngày 23/5 vừa qua, người dân phố cổ vẫn cùng cử tri cả nước hăng hái tham gia ngày hội non sông, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2021-2026, gắn với bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh.