Tội ác của đế quốc Mỹ trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không
Sự kiện 07/12/2022 10:01
Máy bay B.52 ném bom phố Khâm Thiên, Hà Nội đêm 26/12/1972, phá sập 2.000 ngôi nhà, làm 289 người chết, 290 người bị thương; 178 trẻ mồ côi, trong đó 112 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tại số nhà 51 phố Khâm Thiên, có tấm bia ghi dòng chữ “Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ” và bức tượng đồng tạc hình một phụ nữ bế trên tay cháu bé đã chết vì bom Mỹ.
Chính tại ngôi nhà này của gia đình bị bom Mỹ giết hại, không còn ai sống sót. Bốn bức tường đổ nát vẫn được lưu giữ. Những bức ảnh thờ người chết, trưng bày trong phòng truyền thống cùng các số liệu mất mát, làm bằng chứng tố cáo tội ác cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ ở Việt Nam.
Đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô đã bắn rơi nhiều máy bay B-52 trong trận 12 ngày đêm |
Đã 50 năm, kể từ đêm 26/12/1972, cứ đến ngày này, Nhân dân Hà Nội đến đây thắp hương tưởng niệm những người đã khuất, trong đó có cụ Nguyễn Văn Cầu. Cụ cho biết, gia đình mất đi một lúc 5 người thân: Vợ, con trai đầu, em ruột, người anh rể và đứa cháu chưa đầy 5 tuổi. Cụ Cầu nói trong tiếng nấc: “Tang thương lắm. Mấy chục con người chết không toàn thây. Vợ tôi chỉ còn nửa người trên, phần dưới nát trong đất. Con trai còn một cái chân. Tôi nhận ra vì chân cháu bị bỏng ở nơi đỏ tím, băng tạm bằng chiếc khăn”. Nước mắt lăn trên má cụ Cầu, người đã đi gần hết cuộc đời...
Ngoài trận ném bom phố Khâm Thiên, B.52 còn rải bom xuống Đài Phát sóng và khu dân cư Mễ Trì, làm 60 người chết và 30 người bị thương. Bom nổ làm sập một hầm trú ẩn. Tiếng kêu cứu vọng lên: “Bà con ơi! Các đồng chí ơi! Cứu chúng tôi với!”. Anh Mai, cô Toàn, anh Mão xốc tới đào bới cứu Nhân dân. Trong khi đó, anh Mão vừa vĩnh biệt vợ và ba đứa con ở một căn hầm khác. Vợ và cháu nội ông Thạch Vĩnh Khánh bị chết ngay ở loạt bom đầu. Ông vừa khóc vừa giục con dâu là chị Hoa, Bí thư Đảng ủy ở Mễ Trì, đi lo việc xã khẩn cấp; việc tang gia để ông lo. Sau ít ngày, ông bảo chị Hoa, báo tin cho con trai, anh Thạch Vĩnh Thuyên là chồng chị, đang ở chiến trường miền Nam, không được lung lạc tinh thần; hãy dũng cảm chiến đấu chống Mỹ trả thù cho mẹ, con trai và bà con Mễ Trì.
Hàng ngàn lượt máy bay đã thi nhau trút bom xuống Hà Nội. |
Vào 3 giờ 38 phút ngày 22/12/1972, đế quốc Mỹ sử dụng 24 máy bay B.52, 36 máy bay chiến thuật, kết hợp với 18 lần chiếc F111, hoạt động xen kẽ, đánh vào Sân bay Bạch Mai, Bệnh viện Bạch Mai, Văn Điển, Gia Lâm, Giáp Bát.
Ngay chiều hôm đó, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến thăm, động viên các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai. Trước mắt, Thủ tướng thấy những ngôi nhà cao tầng đổ sập; nhiều người dưới hầm trú ẩn bị kẹt tới mấy ngày bởi lớp gạch vụn vùi lấp. Lực lượng cứu hộ nhanh chóng khoan đục bê tông, đưa ống dẫn khí xuống hầm và khẩn trương đào bới đưa người bị nạn thoát khỏi nguy hiểm. Trong tiếng đạn bom ngày ấy ở Bệnh viện Bạch Mai, có cả tiếng trẻ sơ sinh cất tiết khóc chào đời…
Hà Nội mùa Giáng sinh năm 1972, là kỉ niệm bi hùng đặc biệt của mỗi người dân Thủ đô. Những hình ảnh đau thương và dũng cảm ngày ấy lại hiện về. Trong ngày “Hà Nội tổ chức mừng công chiến thắng”, bác sĩ Trần Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP Hà Nội đọc diễn văn khai mạc, có đoạn: “Bè lũ Ních-xơn tưởng rằng, bằng chiến tranh hủy diệt, bằng hành động bạo tàn và dã man, chúng có thể làm lung lạc ý chí chiến đấu của quân dân ta… Nhưng kẻ thù đã lầm to!... Trong chiến dịch lịch sử này, 81 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 32 “pháo đài bay” B.52, bắt từng xâu, từng bầy giặc lái đi vào “Khách sạn Hintơn Hà Nội”. Đây là đòn choáng váng đánh thẳng vào những tên vạch kế hoạch của Lầu Năm Góc; cùng với sự đấu tranh, lên án mạnh mẽ của Nhân dân thế giới, trong đó có Nhân dân Mỹ, trước tội ác của Ních-xơn gây ra cho dân tộc Việt Nam...