Tổ chức phiên giao dịch việc làm để kết nối, tạo việc làm cho lao động là người khuyết tật
Xã hội 10/09/2022 14:00
Hội chợ việc làm cho thanh niên khuyết tật có sự tham gia của 41 đơn vị, doanh nghiệp, trong đó có 25 doanh nghiệp tuyển dụng, tuyển sinh lao động là người khuyết tật. Tổng chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh là 1.107 chỉ tiêu, trong đó có 889 chỉ tiêu tuyển dụng, tuyển sinh lao động là người khuyết tật.
Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân cho biết: “Hội chợ này là cơ hội để người khuyết tật có nhu cầu tìm kiếm học nghề và việc làm. Tại đây người khuyết tật, thanh niên khuyết tật được tiếp cận với các doanh nghiệp, đơn vị cơ sở sản xuất kinh doanh, các trường nghề.... để tìm cho mình công việc phù hợp hoặc được giới thiệu học nghề phù hợp với nguyện vọng cá nhân để có thu nhập ổn định cuộc sống”.
Thông tin từ Hội NKT Hà Nội, 75% NKT ở Thủ đô trong độ tuổi lao động đang có nhu cầu tìm việc làm vẫn chưa có cơ hội làm việc. Lao động khuyết tật khó tiếp cận việc làm bởi những rào cản thiếu thông tin về tuyển dụng lao động là NKT
NKT trong độ tuổi lao động có mong muốn tìm việc làm nhưng nhiều DN lại e dè vì chưa thể tin tưởng vào khả năng của họ. DN cũng không muốn vì nhận ít NKT vào làm việc mà phải cải tạo đường đi, nhà vệ sinh, nơi làm việc…
Để NKT có được công việc nuôi sống bản thân, nhiều năm nay, Hội NKT Hà Nội đã tạo việc làm cho các hội viên thông qua kế hoạch, chương trình, dự án. Phó Chủ tịch Hội NKT Hà Nội Phan Thị Bích Diệp cho biết, Hội có nhiều hình thức tạo việc làm đối với NKT, như giúp tiếp cận nguồn vốn vay tiền từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Một trong những giải pháp là tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là NKT, nhằm giúp đỡ, cổ động những NKT khó khăn có điều kiện học tập, tham gia thị trường lao động, tạo ra thu nhập.
Phân tích và tổng hợp của Trung tâm Dịch vu việc làm Hà Nội cho thấy: Cơ hội việc làm tại phiên giao dịch việc làm tập trung chủ yếu vào nhóm tuổi 18 - 25 với 388/1.107 chỉ tiêu, chiếm 35%; sau đó là nhóm 26 - 35 tuổi với 495/1.107 chỉ tiêu, chiếm 44,7%; thấp nhất là nhu cầu tuyển lao động ở nhóm tuổi từ 35 trở lên với 224 chỉ tiêu.
Các doanh nghiệp tuyển dụng đa dạng chỉ tiêu như: công nhân may, thợ thủ công mỹ nghệ, công nghệ thông tin, công nhân điện tử… đã tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động chưa có việc làm, cũng như người lao động khuyết tật tìm kiếm việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng của bản thân.
Mức thu nhập từ trên 10 - 15 triệu đồng/tháng có 186 chỉ tiêu, dành cho các vị trí tuyển dụng chất lượng cao như kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng - phó phòng, dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao. Mức thu nhập từ trên 7 - 10 triệu đồng/tháng có 328 chỉ tiêu, chiếm 29,6% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Đây là mức thu nhập của đại bộ phận các vị trí việc làm ổn định như: Kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề. Mức thu nhập 5 - 7 triệu đồng/tháng có 485 chỉ tiêu, chiếm 43,8% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng - dành cho người lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, bán thời gian. Còn lại là mức thu nhập thỏa thuận với 108 chỉ tiêu. Doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận trong quá trình phỏng vấn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người lao động.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành, toàn Hà Nội có hơn 109.000 người khuyết tật, trong đó, có khoảng gần 20.000 người còn khả năng lao động. Hỗ trợ giải quyết việc làm, để người khuyết tật có một công việc phù hợp ổn định không chỉ giúp họ tự tin, hòa nhập cộng đồng, mà còn khẳng định vai trò của người khuyết tật, giúp họ tham gia đóng góp chung cho sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố Hà Nội. Chính vì vậy, Thành phố đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch về an sinh xã hội, tạo việc làm, dạy nghề cho người khuyết tật.
“Trong thời gian tới, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động dạy nghề, lao động - việc làm và công tác xã hội; nghiên cứu tham mưu cơ chế chính sách hỗ trợ người khuyết tật học nghề, lập nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh tiếp cận với nguồn vay vốn ưu đãi; phát huy hơn nữa vai trò của các cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật và tiếp tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm lồng ghép hướng đến đối tượng người khuyết tật để khẳng định quyền hòa nhập và bình đẳng của người khuyết tật” - ông Vũ Quang Thành cho hay.