Lòng tốt cần đặt đúng chỗ!
Xã hội 10/09/2024 11:08
Khi kể về tình trạng ăn xin kiểu này, một người bạn của tôi cho biết, cuối tháng 9 năm 2023 khi vào rút tiền tại một cây ATM gần khu công nghiệp. Lúc quay ra, bạn tôi thấy một ông già, khoảng chừng 70 tuổi vẫy tay, rồi trình bày: “Bác đi về quê ở cách đây mấy chục cây số nhưng bị đánh rơi mất ví tiền, giờ hết tiền đổ xăng, con làm ơn cho ông 50.000 đồng”. Thấy người già, lỡ đường gặp hoàn cảnh khó khăn, bạn tôi vui vẻ móc túi đưa biếu 100.000 đồng, với mong muốn cụ có tiền để mua xăng về quê. Nhận tiền xong, cụ ông cảm ơn vội vàng rồi nổ máy phóng xe đi. Sau đó vài hôm, khi đi làm về qua chỗ cây ATM vừa rút tiền hôm trước, bạn tôi không khỏi “ngỡ ngàng” vì lại gặp cụ ông hôm trước, đang diễn lại “màn kịch cũ”! Lúc này, bạn tôi mới biết lòng tốt của mình bị lợi dụng...
Thực ra chuyện gặp người xin tiền tại cây ATM không riêng gì bạn tôi, mà chính tôi mấy lần chứng kiến. Cách đây chừng 5 tháng, khi tôi vào rút tiền tại một cây ATM ngay gần siêu thị lớn trong trung tâm thành phố, khi vừa bước ra, một người phụ nữ còn trẻ, khoảng chừng ngoài 30, khuôn mặt buồn thiu, tay ôm đứa trẻ tiến lại sát chỗ tôi và cất lời: “Em ơi, chị nhờ em chút! Chồng chị bị ốm nằm trong bệnh viện không có tiền thuốc thang, em làm ơn làm phúc cho chị xin mấy chục để lo thuốc thang cho anh ấy...”. Nghe vậy, tôi mủi lòng không ngần ngại biếu chị ta 200.000 đồng! Nào ngờ, thi thoảng ghé rút tiền, tôi vẫn thấy người phụ nữ đó quanh quẩn xin tiền ở đó. Lúc này tôi mới nhận ra chân tướng của chị ta; cũng không biết là đứa trẻ kia có phải do chị ta sinh ra hay đi... thuê mướn của người khác!
Rồi nữa, tình trạng xin tiền kiểu “lịch sự” ở cổng bệnh viện, nhà chờ xe buýt cũng khá phổ biến. Một bữa, đón xe tại một điểm chờ xe buýt ở trung tâm thành phố, tôi gặp một người đàn ông cỡ gần 50 tuổi, khá khỏe khoắn, tiến lại trình bày là không còn tiền đi xe buýt, nên xin tôi hơn chục nghìn đồng với nhã ý đi đủ 2 lượt xe buýt chuyển tiếp về nhà! Không nề hà, tôi cũng cho ông ta ngay, bởi nghĩ số tiền đó chẳng đáng là bao, trong khi lại có thể giúp được người khác. Khi người đàn ông ấy đi khuất, lúc lên xe buýt rồi, một cô bé sinh viên ngồi cùng dãy ghế, cười nói với tôi: “Chị cho người đàn ông tiền là cho... nhầm đó! Ông ta ngày nào mà chẳng quanh quẩn ở trạm buýt để xin tiền, xin cả trăm người mà ông ta có thấy về nhà đâu...!”.
Giúp người khó khăn hoạn nạn là việc nên làm, nhưng đồng tiền hảo tâm của những người tốt chui tọt vào túi những kẻ lười lao động, chuyên “đóng kịch” lừa dối, thì không đáng và không nên chút nào. Chính vì vậy mọi người đừng để lòng tốt của mình bị lợi dụng, chỉ giúp đỡ những trường hợp nào mình thực sự biết là họ hoàn cảnh khó khăn, chứ không nên gửi gắm tấm lòng hào phóng không đúng nơi đúng chỗ...